Diễn đàn pháp luật
Phòng, chống tham nhũng: Chú trọng công tác phòng ngừa
(Congannghean.vn)-Năm 2018, “cuộc chiến” chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan. tín hiệu tích cực này góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo động lực, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT - XH của địa phương.
Công an huyện Hưng Nguyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của công dân |
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị. Đơn cử như việc chú trọng công khai, minh bạch một số lĩnh vực hoạt động như quyết định giao các dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước cho tất cả các đơn vị quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh; lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm công và xây dựng cơ bản; việc huy động và sử dụng tài sản đóng góp của nhân dân; quản lý sử dụng đất, nhà ở… Cùng với đó, thực hiện minh bạch việc kê khai tài sản, thu nhập, quy định nộp lại quà tặng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...
Để phòng ngừa tham nhũng, tỉnh đã thực hiện cơ chế "Một cửa" tại 21/21 sở, ban, ngành, 21/21 huyện, thành, thị và 480/480 xã, phường, thị trấn; triển khai cơ chế "Một cửa liên thông" hiện đại cấp huyện tại 14/21 huyện, thành, thị. Cùng với đó, niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận thanh tra trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tại các cuộc họp với đối tượng thanh tra, người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Cũng trong năm qua, thanh tra các cấp đã thực hiện 219 cuộc thanh tra hành chính tại 520 đơn vị; qua đó, phát hiện 325 đơn vị vi phạm với số tiền vi phạm và kiến nghị xử lý hơn 69 tỉ đồng; phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 1.028,2 m2 đất; đã thu hồi về ngân sách hơn 19 tỉ đồng, 1.012,7 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 5 tổ chức và 31 cá nhân có sai phạm... Tính đến ngày 31/10/2018, có 5 vụ án, 18 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ đã bị phát hiện, khởi tố. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, sở dĩ trên địa bàn tỉnh về cơ bản không có những vụ việc nổi cộm về tham nhũng, bởi trong thời gian qua, tỉnh đã xác định những tính chất công việc có nguy cơ tham nhũng cao để chỉ đạo giám sát, kiểm tra dấu hiệu tham nhũng ngay từ khi mới phát sinh.
Công tác PCTN đạt được những kết quả trên cũng là nhờ tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý sau thanh tra liên quan đến các hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến án tham nhũng được thực hiện đảm bảo đúng quy định. Công tác thi hành án dân sự, thu hồi tiền và tài sản liên quan đến các vụ án tham nhũng đạt kết quả cao.
Các Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có vai trò giám sát cán bộ, công chức thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở, giám sát các chương trình, dự án, việc quản lý đất đai, các chính sách KT-XH… cũng thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng. Qua đó, góp phần quan trọng làm hạn chế việc phát sinh các tiêu cực, thất thoát trong quá trình quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền cơ sở, hạn chế tham nhũng, lãng phí ở địa phương.
Cùng với đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người dân thông qua việc cung cấp thông tin, tố cáo các sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước của cán bộ, công chức; tố giác các sai phạm về kinh tế, tham nhũng; trực tiếp giám sát việc đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương...
Tại buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW, Trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo TW về PCTN đã đánh giá cao kết quả mà tỉnh đã đạt được trong công tác PCTN. Đặc biệt, việc xác định rõ những tính chất công việc, lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao để phòng ngừa. Đơn cử như các lĩnh vực về đất đai, đấu thầu, đấu giá, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản, thanh tra, thu thuế, công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ... Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý, dù kết quả đạt được rất tốt, song tỉnh cũng không được chủ quan.
Theo đó, cần khắc phục tình trạng “trên làm tích cực, ở dưới còn chậm chạp”, cũng như tình trạng tham nhũng vặt, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương dễ xảy ra tham nhũng và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trên từng lĩnh vực. Đơn cử như công tác cán bộ ở những nơi “nhạy cảm” thì cần được thực hiện luân chuyển thường xuyên. Cùng với đó, tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các cơ quan báo chí, những tố cáo, phát hiện từ nhân dân với tinh thần thực sự cầu thị… Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, những kết quả trong “cuộc chiến” chống “giặc nội xâm” mà tỉnh đạt được thời gian qua mới thực sự mang tính bền vững, qua đó phục vụ tốt sự phát triển KT - XH của địa phương.
Thùy Dương