Diễn đàn pháp luật

Nhiều điểm mới tại các dự án luật được thông qua

15:08, 03/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là đã thông qua nhiều dự án luật quan trọng. Trong đó, Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân.

Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là nội dung mới trong Luật Công an nhân dân sửa đổi
Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là nội dung mới trong Luật Công an nhân dân sửa đổi

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội  Khóa XIV đã thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Về Luật CAND (sửa đổi) thay thế cho Luật CAND năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019 (riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019).

Luật CAND (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), đảm bảo trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP); khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014; đảm bảo đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật CAND năm 2014, Luật tăng 1 điều; sửa đổi, bổ sung 34 điều; giữ nguyên 12 điều. Luật đã bổ sung quy định mới trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, HĐND và UBND các cấp đối với hoạt động bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH, đấu tranh PCTP, vi phạm pháp luật và xây dựng CAND. Luật CAND sửa đổi góp phần hoàn thiện thêm một bước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND cho phù hợp với các đạo luật mới và thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong nội dung, Luật CAND (sửa đổi) sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND, thể hiện rõ quan điểm là: Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; không tổ chức cấp tổng cục thuộc Bộ Công an. Luật CAND (sửa đổi) sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND hợp lý hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với cách bố trí lực lượng và mô hình tổ chức mới của CAND các cấp. Luật cũng không còn quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng; thẩm quyền bổ nhiệm tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng và các quy định khác có liên quan.

Việc thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cũng thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân. Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đảm bảo tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật.

Luật còn thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ ANQG, đảm bảo TTATXH, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp với điều kiện, yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình hiện nay. Trong có, bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật Nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật Nhà nước bị lộ, mất. Mặt khác, thu hẹp chủ thể có trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật Nhà nước của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đối với cả 3 cấp độ mật để đảm bảo sự tập trung, thống nhất về chủ thể ban hành danh mục bí mật Nhà nước; kịp thời, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

1 điểm mới nữa đó là Dự thảo quy định trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp Trung ương không phải lập danh mục bí mật Nhà nước. Trong hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước có 8 nội dung mới, quy định cụ thể trách nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản, hạn chế lộ, mất bí mật Nhà nước. Thống nhất và mở rộng thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước; bổ sung đối tượng được phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước nhằm khắc phục hạn chế về thẩm quyền cho phép sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tiếp cận bí mật Nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác.

Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước; làm rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành đặc thù, như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ. Thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật Nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật Nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế... Điều đó cho thấy vai trò quan trọng Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Việc Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, đảm bảo tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuệ Trang (tổng hợp)

Các tin khác