Diễn đàn pháp luật
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật
(Congannghean.vn)-Việc các câu lạc bộ (CLB) pháp luật ra đời, hoạt động thường xuyên, liên tục đã phát huy được hiệu quả về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận người dân; qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như các CLB hoạt động cầm chừng, chưa có sự đầu tư.
Các thành viên sinh hoạt Câu lạc bộ “Thời sự pháp luật” tại phường Nghi Tân, TX Cửa Lò |
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các câu lạc bộ pháp luật
Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 3.072 CLB pháp luật với hơn 8.000 người tham gia. Các CLB pháp luật được duy trì dưới nhiều loại hình: CLB “Phòng, chống tội phạm”, “Thanh niên với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên tuần tra, thanh niên giữ yên biên giới”, “Thời sự pháp luật”, với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng như: Sân khấu hóa, hái hoa dân chủ, sáng tác tác phẩm văn hoá, văn nghệ có nội dung pháp luật; tổ chức các buổi giao lưu pháp luật với các loại hình CLB khác trên địa bàn; lồng ghép sinh hoạt CLB pháp luật với tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng liên quan và gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống dân tộc tại địa phương.
Trong năm 2017, TX Cửa Lò là điểm sáng về hoạt động CLB "Thời sự pháp luật". Hiện tại, 100% số phường trên địa bàn thị xã đã thành lập CLB "Thời sự pháp luật". Ông Cao Anh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp TX Cửa Lò cho biết: Có thể nói, đây là một hình thức sinh hoạt pháp luật cộng đồng thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Định kỳ 3 tháng sinh hoạt 1 lần, đến với CLB ngoài tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các thành viên còn được tham gia các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, các chương trình giao lưu sân khấu hóa, hoạt cảnh tình huống, lời ca, tiếng hát… có nội dung liên quan đến tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin mang tính thời sự “nóng” có sức lan tỏa. Hiệu quả của hoạt động CLB đến từ việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng và đặc điểm cụ thể của từng địa bàn phường.
Sắp tới, hướng tập trung ưu tiên trong hoạt động của CLB “Thời sự pháp luật” trên địa bàn TX Cửa Lò là các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, hình sự, kinh tế, việc làm của các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần ngăn chặn và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tiết kiệm thời gian và chi phí của các cơ quan Nhà nước và công dân; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền.
Các thành viên trong Ban chủ nhiệm của CLB luôn linh hoạt, chủ động áp dụng những cách thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là các buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý, trao đổi các tình huống pháp luật cụ thể xảy ra ngay trên địa bàn, mang tính liên hệ thực tiễn cao để đưa pháp luật đi vào đời sống người dân. Việc thu hút không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn các thành viên trong CLB còn tạo sự đa dạng trong các buổi sinh hoạt và còn để đạt được mục tiêu “đưa pháp luật tiếp cận đến từng thành viên trong một gia đình”.
Thành lập nhiều, hiệu quả chưa cao
Việc thành lập nhiều CLB pháp luật, bên cạnh những CLB duy trì thường xuyên, hiệu quả, cũng có không ít CLB hoạt động cầm chừng, chủ yếu mang tính hình thức, chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của các đối tượng đặc thù và nội dung cần phổ biến. Các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ yếu là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các cấp hội chứ các CLB hầu như không có nguồn kinh phí đứng ra tổ chức. Hơn nữa, Ban chủ nhiệm CLB hầu hết là kiêm nhiệm, năng lực lại hạn chế, chính quyền địa phương chưa chú trọng và tạo điều kiện để CLB hoạt động tốt. Bên cạnh đó, do chưa có chế tài trong việc quản lý nên thiếu sự gắn kết giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý và các CLB.
Thiết nghĩ, để duy trì và hoạt động có hiệu quả các CLB pháp luật, cần có sự vào cuộc của cả một hệ thống chính trị, từ ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân, đến sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Ngoài việc bố trí nguồn kinh phí hợp lý, cần phải đánh giá lại hoạt động của các CLB đang có, nếu thấy không phù hợp thì nên dừng hoạt động. Trong cùng một địa phương có thể sáp nhập các mô hình CLB pháp luật để tận dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả, tránh trùng lặp về thành phần và thời gian diễn ra các hoạt động.
Phan Tuyết