Diễn đàn pháp luật
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL được các ngành, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, các huyện, thành phố chú trọng thực hiện, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công an Nghệ An tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng biển TX Cửa Lò |
Tại Nghệ An, năm 2017, các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện đã triển khai PBGDPL với nhiều hình thức khá phong phú, đa dạng như thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở, lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống, hoạt động thanh niên tình nguyện, qua các phương tiện thông tin đại chúng, cá nhân ký cam kết không vi phạm pháp luật, chú trọng gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật và đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.
Trong năm, các huyện đã tổ chức 8.099 cuộc phổ biến pháp luật cho 843.162 lượt người (tăng 2.872 cuộc so với năm 2016), phát miễn phí 139.317 bản tài liệu phổ biến pháp luật các loại, trong đó có 600 bản bằng tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức 775 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 23.089 lượt người tham dự.
Trên cơ sở Luật PBGDPL, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho các nhóm đối tượng, địa bàn đặc thù.
Theo đó, Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT các huyện tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch thi hành Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; trong đó, tập trung chỉ đạo hướng dẫn và tổ chức triển khai các hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng tù tha, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Trong năm, Công an tỉnh đã tổ chức 1.285 cuộc tuyên truyền cho 33.615 lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 1.674 phạm nhân, duy trì hệ thống loa phát thanh trong nhà giam, tổ chức cho phạm nhân nghe thời sự, khai thác tủ sách pháp luật.
Cán bộ tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số |
Ngoài lực lượng Công an, năm 2017, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tổ chức 3 cuộc tư vấn pháp luật lao động cho 630 công nhân lao động; Tỉnh đoàn tổ chức Hội thi tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người khuyết tật tại Trung tâm; Hội Liên hiệp Phụ nữ duy trì các câu lạc bộ, mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" trên hệ thống loa truyền thanh các bản, vùng sâu, vùng xa; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai tổ chức các cuộc họp dân bản, thành lập tổ tự quản đường biên, bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển trong nhân dân; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan như: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục Thuế tỉnh xây dựng và phát sóng các chuyên mục “Tư vấn, giải đáp về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, “Công dân hỏi - Cục Thuế trả lời”...
Có thể thấy, việc phổ biến kịp thời đến nhóm đối tượng địa bàn đặc thù các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ANTT giúp nâng cao kiến thức về pháp luật, tạo chuyển biến cơ bản về ý thức chấp hành các quy định pháp luật, góp phần giảm tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Phan Tuyết