Pháp luật

Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

09:24, 10/02/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và công tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực này nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả nhất định. Qua đó, các ngành chức năng xử lý kịp thời trường hợp vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời, nâng cao nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm
Năm 2019, công tác thanh, kiểm tra được đẩy mạnh với 20.572 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 1.301 cơ sở với tổng số tiền phạt 2.188.854.000 đồng . Trong đó, tại tuyến tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính 80 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng; tuyến huyện, xử phạt 1.221 cơ sở với số tiền gần 1.2 tỉ đồng. 
 
Các ngành chức năng đã chủ động trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 66 người mắc, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn trên 30 người mắc, không có trường hợp tử vong giảm hẳn số vụ và số người tử vong so với năm 2018 (năm 2018 có 6 vụ ngộ độc làm 57 người mắc và 4 người tử vong). Ngoài ra, xây dựng mô hình điểm được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, từ tuyến tỉnh đến huyện xây dựng 92 mô hình điểm về đảm bảo ATTP tại các cơ sở không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. 
 
Thông qua công tác thanh, kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm các lỗi như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật và chế độ kiểm thực 3 bước; chứa đựng thực phẩm trên dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; không có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; kinh doanh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nơi sản xuất thực phẩm không tách biệt với nguồn ô nhiễm khác; vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa…
 
Nhờ thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ATVSTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sự chuyển biến tích cực và đã thực hiện tốt các điều kiện và thủ tục hành chính. Qua thanh, kiểm tra đã làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về ATTP một cách đầy đủ và kịp thời. Ngoài ra, các địa phương còn thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng kiến thức ATTP nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng này.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công  tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề kinh phí dành cho hoạt động thanh, kiểm tra ATVSTP của một số huyện chưa được quan tâm; còn nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được cấp giấy đủ điều kiện hoặc giấy cam kết về ATTP. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức; số cơ sở được thanh, kiểm tra nhiều nhưng xử phạt ít do có sự nể nang, né tránh. Bên cạnh đó, công tác quản lý ATVSTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có nhiều vi phạm. Việc cấp giấy đảm bảo ATVSTP và truy xuất nguồn gốc còn gặp nhiều khó khăn do quá trình chăn nuôi, trồng trọt của người dân đang mang tính hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thể kiểm soát một cách thường xuyên và triệt để.
 
Trước những hạn chế, bất cập nói trên, để công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm của mình; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác thanh, kiểm tra. Tăng cường tập huấn công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cán bộ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP tại các tuyến huyện, xã nhằm nâng cao năng lực công tác. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức và tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống về ATTP để các cơ sở hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP.
 
Những kết quả đạt được trong năm 2019 càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực ATTP. Tuy nhiên, trên thực tế, để đảm bảo chất lượng ATVSTP thì rất cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng và toàn thể người dân. Trong đó, yếu tố tiên quyết vẫn là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngọc Anh

Các tin khác