Pháp luật
Xử phạt hơn 12.000 vụ việc vi phạm hành chính
08:48, 09/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là số liệu tổng hợp do các cơ quan, đơn vị và cá nhân có thẩm quyền, thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các chức danh có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử phạt 12.125 vụ việc vi phạm hành chính, trong đó, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 122 vụ việc. Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 12.992 quyết định vi phạm hành chính, trong đó có 12.695 quyết định đã thi hành. Tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là hơn 4,2 tỉ đồng. Số tang vật, phương tiện bị tịch thu chủ yếu là hàng hoá nhập lậu, lâm sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phương tiện vi phạm khai thác khoáng sản....
Qua tuần tra kiểm soát giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện, lập hàng nghìn biên bản vi phạm hành chính |
Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác thi pháp hành luật về xử lý vi phạm hành chính gặp không ít khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng với đó, cơ sở vật chất, nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho việc xác định hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực như môi trường, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… chưa được trang bị đầy đủ nên các lực lượng xử phạt gặp khó khăn.
Ngoài ra, tại các xã, phường, có từ 1 - 2 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, trong lúc đó nhiệm vụ tư pháp ngày càng tăng, mở rộng quy mô, thẩm quyền. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã còn hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính tại một số địa phương. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ mới chỉ tập trung chủ yếu vào phổ biến các quy định của pháp luật, còn ít các hội nghị tập huấn mang tính hướng dẫn chuyên sâu nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Khâu kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính của một số ít cơ sở còn chậm trễ và xử lý thiếu kiên quyết nên còn diễn ra tình trạng tái vi phạm. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác thanh, kiểm tra và cơ chế hậu kiểm về xử lý vi phạm hành chính nhiều lúc chưa thực sự chặt chẽ.
Đ.T