Pháp luật
Khó khăn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
08:49, 29/02/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) có xu hướng ngày càng gia tăng với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và đây được xem là vấn nạn xã hội ở nhiều quốc gia bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó để lại. Tại Nghệ An, thời gian qua, việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện với mục đích bảo vệ nạn nhân BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống BLGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại cơ sở.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó góp phần hạn chế vấn nạn bạo lực gia đình trong cuộc sống |
Năm 2019, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, ngày càng có nhiều gia đình thực hiện mô hình ít con và có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc. Công tác giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, có nhiều gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, các mô hình văn hóa góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tất cả những yếu tố nói trên chính là cơ sở xây dựng các tế bào gia đình hạnh phúc, giảm thiểu các hành vi BLGĐ trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha vẫn đang hàng ngày thâm nhập vào các gia đình; nhất là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra ở một số huyện. Công tác triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ tại cơ sở còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí hoạt động. Việc phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình chưa thật sự sâu rộng. Đặc biệt, công tác nhận diện, phát hiện, thu thập báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống BLGĐ chưa trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời; sự phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và ban, ngành đoàn thể thiếu chặt chẽ, đồng bộ, chưa thực sự vào cuộc để xử lý các vụ BLGĐ.
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi BLGĐ chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, vì thế bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra mà không được ngăn chặn kịp thời. Cộng đồng xã hội chưa thể hiện thái độ phê phán kiên quyết, mạnh mẽ đối với những người gây ra BLGĐ và xem đó là việc nội bộ của mỗi gia đình. Nhiều nạn nhân còn e ngại không mạnh dạn trình báo cơ quan chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý hành vi sai trái đối với người gây ra BLGĐ. Một nguyên nhân dẫn đến phòng, chống BLGĐ chưa thực sự đạt được hiệu quả tối ưu trong thời gian qua đó là tuyên truyền, truyền thông và kinh phí cho công tác này còn rất thấp nên việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở chưa ổn định, đa số kiêm nhiệm và luân chuyển công tác thường xuyên, ít được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên chất lượng công tác chưa cao. Công tác tuyên truyền tuy được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Trong đó, tại các địa phương, kinh phí hoạt động chưa được phân khai rõ nên rất khó cho việc tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ cũng như xây dựng các mô hình điểm, câu lạc bộ phòng, chống vấn nạn này.
Từ những vướng mắc, hạn chế nói trên, để công tác phòng, chống BLGĐ trong thời gian tới tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn nữa, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để quy định hình thức xử phạt hợp lý, khả thi do một số hành vi quy định hiện hành có mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Các đơn vị chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề của riêng mỗi gia đình. Ngoài ra, để công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng đường dây tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên địa bàn toàn tỉnh để họ có địa chỉ đáng tin cậy nếu chẳng may BLGĐ hiện hữu trong ngôi nhà của mình.
An Nhiên