Pháp luật
Chủ động ngăn ngừa, loại trừ tội ác
(Congannghean.vn)-Những ngày đầu năm Mậu Tuất vừa qua, trong khi mọi người đang háo hức đón cái Tết đoàn viên bên cạnh gia đình, người thân của mình thì ở một số thành phố, địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ án mạng nghiêm trọng, cướp đi mạng sống của nhiều người.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên là cách làm hiệu quả để giảm phát sinh tội phạm - Ảnh minh họa. |
Đáng nói, thủ phạm là những đối tượng tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, đôi mươi. Điển hình là vụ thảm sát làm 5 người trong cùng một gia đình ở phường Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh thiệt mạng, được phát giác vào đúng ngày 30 Tết. Hung thủ bị cơ quan Công an bắt sau chưa đầy 48 giờ tiến hành điều tra được xác định là Nguyễn Hữu Tình, sinh ngày 29/1/2000, quê quán tại An Giang. Kẻ thủ ác đồng thời cũng chính là người làm công trong gia đình nạn nhân.
Tại cơ quan điều tra, Tình khai nhận, động cơ giết người chỉ vì tư thù cá nhân và cướp tài sản. Tiếp đó, ngày mồng 6 Tết (21/2/2018), người dân ở xã miền núi Thông Thụ, huyện Quế Phong không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng nghiêm trọng khiến 1 học sinh lớp 11 tử vong. Lý do chỉ vì hung thủ và nạn nhân xích mích, mâu thuẫn với nhau trong lúc chơi game.
Bằng sự mưu trí, dũng cảm, lực lượng Công an đã lần lượt vạch mặt, đưa ra ánh sáng những kẻ gây tội ác. Chắc chắn rồi đây, chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật với những bản án thích đáng. Mặc dù vậy, hậu quả để lại từ những vụ án mạng kinh hoàng là hết sức nặng nề. Những tổn thất, đau đớn, giằng xé về tinh thần từ phía thân nhân những người bị sát hại sẽ còn dai dẳng. Bên cạnh đó là tâm lý thấp thỏm, nỗi ám ảnh, lo âu về việc mất an toàn, ảnh hưởng tới sự bình yên trong cuộc sống của nhiều người.
Đằng sau mỗi tội ác, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tựu trung lại, về phía chủ quan là do nhận thức pháp luật còn hạn chế, những hận thù cá nhân, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, ăn chơi sa đọa, khi thiếu tiền tiêu xài, cùng quẫn dẫn tới hành vi phạm tội. Mặt khác, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi bạo lực; sự buông lỏng, thiếu quan tâm, uốn nắn, định hướng từ phía gia đình, nhà trường.
Cùng với sự phát triển của xã hội, cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại và nhiều khi lẩn khuất, ẩn náu trong muôn mặt của cuộc sống đời thường. Mỗi người trong cộng đồng không thể lẩn tránh mà cần phải tìm cách ngăn ngừa, loại trừ nó. Để làm được điều này, nhất thiết phải thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm góp phần định hướng, xây dựng, hoàn thiện nhân cách mỗi người từ khi còn thơ trẻ cho đến lúc trưởng thành.
Trong gia đình, sự quan tâm chăm sóc con cái bằng việc chu cấp tiền ăn học, thỏa mãn các nhu cầu hưởng thụ vật chất là chưa đủ. Mỗi gia đình phải thực sự là một mái ấm, giúp những đứa trẻ lớn lên trong tình thương, sự đùm bọc, hiếu thảo, biết tha thứ, độ lượng, bao dung và sống có trách nhiệm với những người xung quanh. Trong nhà trường, song song với “dạy chữ” cần chú trọng việc “dạy người”. Học sinh cần được trang bị những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết để có thể phân biệt được đúng, sai, những việc “nên làm” và những hành vi “không được phép làm”.
Các tổ chức đoàn thể cần tạo ra nhiều hơn những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên nhằm xây dựng lối sống cởi mở, cách ứng xử ôn hòa, thân thiện, đồng thời, giúp họ tránh xa các tệ nạn xã hội. Các cơ quan công quyền cần thực thi hệ thống pháp luật nghiêm minh để kịp thời xử lý những hành vi phạm tội. Với các vụ trọng án liên quan tới tính mạng của người khác, những bản án nghiêm khắc sẽ làm tăng tính răn đe, giúp ngăn ngừa tội phạm.
Bên cạnh đó, cần thiết phải thực hiện tốt khâu tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân, nhất là trong giới trẻ. Khi được trang bị những hiểu biết về pháp luật, nắm được các mức hình phạt sẽ phải nhận khi phạm pháp, chắc hẳn những hành vi phạm tội sẽ được ngăn chặn, không có điều kiện để nhen nhóm, phát sinh.
Bùi Minh Tuấn