An toàn giao thông
TP Vinh: Xe tự chế tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các lực lượng chức năng ở TP Vinh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng xe kéo, xe tự chế vận chuyển hàng hóa cồng kềnh gây mất ATGT. Tuy nhiên, bên cạnh những người nghiêm chỉnh chấp hành, một số trường hợp khác vẫn tiếp tục tái phạm. Vì thế, cần phải có chế tài đủ mạnh, xử lý triệt để tình trạng trên.
Kiểu vận chuyển này rất dễ gây ra tai nạn giao thông |
Những năm gần đây, trên địa bàn TP Vinh, ngoài hoạt động của xe xích lô, xuất hiện thêm các loại xe lôi tự chế, thường xuyên chở hàng hóa cồng kềnh. Đây là loại xe được thiết kế khá giống với xe bò kéo ở vùng nông thôn, tuy nhiên thay vì sử dụng trâu bò để kéo thì người ta dùng xe gắn máy để kéo, đẩy. Có thể nói, lợi ích mang lại của loại hình vận chuyển này khá nhiều, đó là vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, giá thành rẻ nên rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, với mật độ người và các phương tiện tham gia giao thông ở TP Vinh hiện nay, các xe tự chế, xe lôi đang là nỗi ám ảnh của không ít người.
Chị Trần Thị Phương trú tại phường Hưng Bình cho biết: “Cách đây khoảng 1 năm, khi điều khiển ôtô qua khu vực ngã ba Quán Bàu, tôi đã bị chiếc xe kéo chở theo sắt thép lưu thông cùng chiều quệt vào phía bên phải xe, gây xước móp nhiều vị trí. Sau vụ việc đó, phải sơn sửa lại xe hết gần 5 triệu đồng. Từ sau sự việc này, mỗi khi thấy xe kéo lưu thông trên đường là tôi lại cảm thấy bất an”. Có lẽ, nỗi lo lắng của chị Phương cũng là tâm lý chung của không ít người tham gia giao thông khi gặp xe tự chế, xe lôi, xe kéo ngênh ngang trên đường.
Trong quá trình khảo sát thực tế để thực hiện bài viết, một ngày gần đây, có mặt tại ngã tư Ga Vinh (giao nhau giữa đường Lê Lợi - Mai Hắc Đế - Nguyễn Sỹ Sách - Phan Bội Châu), chúng tôi không khỏi bàng hoàng chứng kiến, trong khi các phương tiện tham gia giao thông đang tấp nập thì có 2 người đàn ông dùng 2 xe xích lô và 1 xe gắn máy để vận chuyển hàng tấn sắt thép đi qua ngã tư. Cụ thể, 1 chiếc xích lô do 1 người đàn ông đạp đi trước, 1 chiếc xích lô khác do một người điều khiển xe gắn máy đẩy phía sau. Điều đáng nói, trên 2 xe có 1 bó sắt thép rất lớn, có chiều dài ước lượng khoảng trên dưới 10 m, được vắt từ xe xích lô phía trước qua xe xích lô phía sau, trên mỗi xe xích lô còn có 1 cuộn thép khác.
Thời điểm khác, chúng tôi chứng kiện tại khu vực Bưu điện tỉnh, cũng 2 chiếc xe xích lô vận chuyển vật liệu vắt từ phía trước ra phía sau, khi vào khu vực bùng binh Bưu điện, do có nhiều phương tiện tham gia giao thông, 1 trong 2 người đạp xe xích lô đã phải nhảy xuống đường, dùng lực kéo bản thân để “hãm phanh”, rất nguy hiểm. Đó là những ví dụ điển hình về hoạt động xe tự chế, xe lôi, xe kéo đang hoạt động thời gian qua trên địa bàn TP Vinh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất ATGT.
Tuy nhiên, khi trao đổi câu chuyện trên với những người điều khiển xe lôi, xe kéo, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi mặc dù biết việc vận chuyển hàng hóa cồng kềnh là vi phạm pháp luật về TTATGT và đã bị xử phạt trước đó nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn tiếp tục “hành nghề”.
Chị Trần Thị Nguyệt, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Phong Định Cảng cho biết: Do một số loại sắt thép, cây tre, mét… cần phải để thẳng hoặc không thể cắt ngắn nên rất khó trong quá trình vận chuyển bằng xe ôtô cỡ nhỏ. Do đó, để tiết kiệm giá thành vận chuyển thì xe lôi, xe kéo vẫn là phương thức tối ưu để các chủ kinh doanh và người mua hàng lựa chọn.
Theo số liệu tổng hợp của Đội CSGT Công an TP Vinh, năm 2016, Công an thành phố đã lập biên bản xử phạt hành chính 588 trường hợp xe tự chế, với số tiền hơn 205 triệu đồng; năm 2017, lập biên bản xử phạt 485 trường hợp, với số tiền gần 170 triệu đồng.
|
Qua trao đổi, Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó Trưởng Công an TP Vinh cho biết: Thời gian qua, Công an TP Vinh cũng như các ban, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân, trong đó có hoạt động của loại hình xe kéo, xe tự chế. Tuy nhiên, dù đã được tuyên truyền, xử lý vi phạm nhưng một số người vẫn tiếp tục tái phạm.
Theo Thượng tá Hoàng Duy Hà, hiện nay chế tài xử phạt đối với loại hình vận chuyển hàng cồng kềnh chưa đủ mạnh, lỗi vi phạm chỉ xử phạt hành chính 300.000 đồng, do đó nhiều người vẫn tái phạm. “Chúng tôi nghĩ, cần có chế tài mạnh hơn, sau xử phạt là tịch thu luôn phương tiện vi phạm, may ra mới chấm dứt được tình trạng này”, Thượng tá Hà cho biết thêm.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, những chiếc xe tự chế như xe 3 bánh, xe đẩy, xe kéo không được phép hoạt động trên các tuyến đường. Tuy nhiên, trên thực tế, các phương tiện này vẫn mặc nhiên lưu thông hàng ngày trên địa bàn TP Vinh. Và trên thực tế, đã có không ít vụ tai nạn giao thông do những chiếc xe tự chế gây ra.
Đ. Thắng