Kinh tế xã hội
Thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán 2020: Sức mua tăng, giá cả ổn định
07:21, 22/01/2020 (GMT+7)
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đây là thời điểm sức mua thực phẩm tăng rất cao. So với ngày thường, giá cả các loại thực phẩm phục vụ Tết tăng nhưng vẫn ổn định, nguồn cung dồi dào. Không xảy ra tình trạng cháy hàng, sốt giá.
Hoa quả là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết. Người người mua hoa quả, nhà nhà mua hoa quả để bày mâm ngũ quả thờ Tết, làm quà tặng… Hàng loạt trái cây đã tăng giá trong những ngày này. Chị Thu, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Giáp Bát cho biết, hôm nay tức ngày 26 tháng Chạp, giá mỗi loại hoa quả đã tăng khoảng 5.000 đồng so với hôm qua.
“Như cam canh hôm qua tôi bán 70.000đ/kg, hôm nay lấy hàng giá đã là 70.000 đồng/kg nên phải bán tăng lên 75.000 đồng/kg. Ngày mai, ngày kia giá các loại hoa quả sẽ tiếp tục tăng”. Chuối, bưởi là 2 loại quả không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết. Bưởi có lá, màu vàng bắt mắt được bán với giá từ 30.000 đồng-40.000 đồng/quả. Chuối xanh, quả uốn cong tròn trịa có giá từ 50.000 đồng-60.000 đồng/nải, tăng khoảng 10.000 đồng so với ngày thường. Thanh long đã tăng giá lên 15.000 đồng/kg, gấp đôi so với cách đây 2 tháng và có thể còn đắt hơn nữa vào sát Tết. Ngoài ra, các loại trái cây bán Tết như táo, xoài… cũng tăng giá từ 7.000 đồng-10.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây khi giá thịt lợn đã bắt đầu ổn định thì đến lượt giá thịt bò và thịt gà tăng bởi đây là 2 thực phẩm được người dân sử dụng nhiều trong dịp Tết năm nay. Cụ thể, giá thịt bò bán lẻ tại các chợ truyền thống và siêu thị tại Hà Nội đồng loạt tăng giá. Mỗi kg thịt bò đã được điều chỉnh tăng từ 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt gà bán lẻ được điều chỉnh tăng từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại một số chợ truyền thống, gà ta sống có giá từ 130.000 đồng- 140.000 đồng/kg. Ở siêu thị lớn như Vinmart, Big C… loại đùi gà PC, cánh gà, đùi gà tháo khớp, má đùi gà công nghiệp PC, phi lê gà công nghiệp… đã tăng nhẹ và dao động 73.000 đồng - 95.000 đồng/kg.
Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt bò và thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ lớn hơn nhiều so với mọi năm. Bánh chưng cũng là một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh dịp Tết. Hiện, trên thị trường, giá bánh chưng trung bình đã tăng giá so với ngày thường tùy trọng lượng. Tại một số chợ trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, chợ Tam Đa… bánh chưng phổ thông có trọng lượng 800gr có giá 70.000 đồng; loại 1,1kg có giá 80.000 đồng. Đặc biệt, năm nay trên thị trường còn xuất hiện loại bánh chưng nhân thịt lợn organic, tức là thịt lợn được nuôi hữu cơ. Bánh chưng nhân thịt lợn organic có giá dao động từ 150.000 đồng-170.000 đồng/cái loại 800gr.
Chị Thu Hoài, chủ quầy kinh doanh bánh chưng tại chợ Tam Đa chia sẻ: So với dịp Tết năm ngoái, năm nay giá bánh chưng tăng từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/cái. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá bánh chưng là do giá thịt lợn tăng cao, nguồn cung thịt khan hiếm. Ngoài ra, các chi phí khác năm nay cũng đều tăng như chi phí thuê nhân công, nguyên liệu đầu vào của bánh chưng như nếp, đậu xanh… Những ngày sát Tết, giá bánh chưng còn có thể tăng tiếp.
Theo dự báo của Bộ Công thương, sức mua hàng hóa vào dịp Tết năm nay tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đã có chương trình bình ổn giá, chủ động ngăn chặn tình trạng “khan hàng, sốt giá”, đảm bảo cung cầu trong dịp Tết.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Sở Công thương đã chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết nhiều điểm, bán hàng lưu động phục vụ Tết tại các huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất... Các điểm bán hàng bình ổn giá, doanh nghiệp cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết.
Nguồn: CAND