Kinh tế xã hội
Miền biển xứ Nghệ đón xuân vui
(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại lên, đông qua, một mùa xuân mới lại về. Tết cổ truyền luôn thường khơi gợi trong lòng mỗi người niềm khát khao sum vầy, quây quần bên người thân, đối với những ngư dân thuộc các xã bãi ngang huyện Nghi Lộc đang ngày đêm bám biển, niềm khát khao ấy lại càng lớn hơn. Với họ, có người đón Tết sớm, người vui Tết muộn, ngày xuân cứ cập rập, vội vàng. Tầm 29, 30 Tết người dân ở những làng biển trở về nhà, sum họp bên gia đình; mùng 2, mùng 3 Tết lại lên đường đi “mở cửa biển” đầu xuân.
Những ngày giáp Tết, tại xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, nhiều tàu thuyền vẫn đang tích cực chuẩn cho chuyến biển cuối năm |
Con đường đê dài trong cái lạnh khô ngày cuối năm, ướp nồng vị biển đã đưa chúng tôi đến với những người ngư dân mà nắng gió khắc nghiệt nơi biển khơi nhuộm đen nước da, làm săn cơ bắp, chỉ nụ cười hiền hậu chân chất mộc mạc thì vẫn thế. Làng chài xóm Rồng, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) cách Thành phố Vinh khoảng 30km. 80% số hộ ở đây đều làm nghề chài lưới. Những ngày cuối năm, mặc cho cái rét nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân vẫn miệt mài ra biển đánh bắt những mẻ ghẹ, cá nặng trĩu cuối cùng của năm để có thêm thu nhập chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc. Sau khi tranh thủ gỡ những con cua, ghẹ trong lưới mà ông xã mình vừa đánh được, chị Nguyễn Thị Thắng đã chạy ngay vào chợ để bán, khi được hỏi về chuyện chuẩn bị Tết, chị Thắng cười: “Tết ở đây đơn giản lắm, không khác gì nhiều so với ngày thường là mấy, có chăng là bữa cơm cúng gia tiên, với bánh chưng, hoa quả... Ở các nơi, 25, 26 tháng Chạp người ta đã rộn ràng sắm sửa cho ngày Tết, còn dân làng chài chúng tôi thường phải 29, 30 Tết mới dừng những chuyến biển để trở về nhà mua sắm, mua cho bọn trẻ con mấy bộ quần áo mới để đi chúc Tết.”
Hai người phụ nữ này cho biết họ sẽ nghỉ vào chiều 30 Tết và bán lại vào chiều mùng 2 Tết để cố gắng kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống |
Không chỉ ở làng chài xóm Rồng mà tại âu thuyền Lộc Mỹ (Nghi Quang) hay làng chài Hải Thịnh (Nghi Thiết) những ngày giáp Tết cũng đông vui, nhộn nhịp tàu cá ra vào. Bên cạnh một số thuyền đã thu dọn nghỉ tết thì nhiều phương tiện tàu thuyền vẫn đang tích cực chuẩn bị lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm… đưa lên tàu để cho kịp chuyến biển cuối năm. Tất cả ngư dân đều kỳ vọng ngày cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển” trở về để có tiền trang trải cuộc sống và đón một cái Tết thật tươm tất. Ngư dân Trần Văn Liên cho biết: “Làm nghề này đã nhiều năm, nhưng với tôi cũng như nhiều ngư dân khác, chuyến biển cuối năm luôn đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Sau chuyến này về, thu nhập được dùng để trang trải nhiều khoản chi phí “tồn đọng” trong năm và mua sắm Tết.”
Hải sản được bán ngay cầu cảng |
Tết ở các làng chài, không có dòng người, xe cộ tấp nập, không có nhiều hàng hóa bày bán la liệt rực rỡ sắc màu như ở phố hay các làng mạc trung tâm nhưng rất ấm áp đượm tình làng nghĩa xóm. Sau những ngày Tết vội vàng, người dân chài lại vươn khơi, nhanh chóng quăng mẻ lưới “mở hàng” đầu năm. Nếu may mắn thu được mẻ tôm cá lớn, họ tin rằng cả năm đó nhất định sẽ ăn nên làm ra. Cuộc sống thường nhật trở lại ngay sau đó. Bà con làng chài ngày nay phấn khởi, các em đến tuổi tới trường đều được đi học. nhiều người con học hành thành đạt, lập gia đình riêng nơi phương xa, đặc biệt trong những năm gần đây một số thanh niên đã chọn con đường xuất khẩu lao động để đem lại thu nhập cao và không còn vất vả chật vật bám nghề chài lưới như trước. Tình trạng gia đình sinh con thứ 3 đã giảm hẳn thay vì mỗi hộ có tới 3-4 người con, thậm chí có gia đình có 6-7 con như trước kia. Đó chính là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp đời sống kinh tế của người dân làng chài ngày một khấm khá hơn. Bên canh đó, được sự quan tâm, vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật sông nước của các cơ quan chức năng và trạm Biên phòng nên ngư dân đã nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định khi ra khơi.
Nhiều năm qua, đời sống ngư dân xứ Nghệ đã chuyển biến rất nhiều nhờ chính sách phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước |
Với bà con tại các làng biển huyện Nghi Lộc, chuẩn bị đón tết không phải là mua sắm thật nhiều, mà cốt làm sao cho không khí tết thật đầm ấm sum vầy, sắm cho con trẻ chiếc áo mới, ngồi bên nồi bánh chưng hay trao đổi kinh nghiệm sau một năm ra khơi. Tham gia các hoạt động vui xuân của chính quyền.
Ông Lê Đăng Nguyễn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Thiết, Nghi Lộc cho hay: “Công tác chỉ đạo vui xuân đón Tết 2020, bên cạnh việc tập trung các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân, động viên nhân dân tham gia các hoạt động vui chơi cổ truyền. Nhất là ngư dân vùng biển thì thực hiện tốt công tác tâm linh tín ngưỡng cầu cúng cuối năm ở đền chùa.”
Ngay cả những làng biển đầu sóng ngọn gió như thế này thì ngày tết cũng thật yên bình. Bỏ lại phía sau những nhọc nhằn vất vả, những buồn vui toan tính vì cuộc mưu sinh, bà con ngư dân Nghi Lộc đang dành cho nhau những giờ phút thiêng liêng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cùng những ước nguyện và niềm tin: Một năm mới khởi đầu tốt đẹp sẽ no đủ và hạnh phúc.
Tết với người dân làng chài ngày càng đầy đủ hơn |
Văn Hậu