Kinh tế xã hội

Nỗ lực thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

10:38, 12/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung và bảo hiểm học sinh, sinh viên (HSSV) nói riêng là một trong những chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, công tác BHYT cho HSSV trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng thực hiện với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó đảm bảo quyền lợi thiết thực cho các đối tượng HSSV.

Thời gian qua, BHXH Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT cho HSSV
Thời gian qua, BHXH Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT cho HSSV

Nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả

Cho đến bây giờ, chị Hồ Thị Thanh Huyền trú tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn vẫn chưa hết xúc động khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về quá trình cả gia đình nỗ lực để giành giật sự sống cho con gái mình. Theo đó, vào thời điểm đầu năm 2018, con gái chị là Hồ Thị Thục Uyên (SN 2008), học sinh Trường Tiểu học Hồng Sơn bỗng nhiên bị sốt cao không rõ nguyên nhân. Ngay trong đêm, gia đình phải đưa cháu xuống TP Vinh nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu Uyên bị sốt vi rút dẫn đến suy hô hấp, tình trạng sức khỏe rất nguy kịch. Thời điểm đó, đứa con gái út cũng đang điều trị tại bệnh viện nên vợ chồng chị phải chạy đi chạy lại rất vất vả, vừa chăm sóc 2 con, vừa lo công việc buôn bán để kiếm thêm thu nhập.

Với sự nỗ lực từ đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cùng gia đình, sau gần nửa tháng tích cực điều trị, sức khỏe cháu Uyên dần hồi phục và đã xuất viện. Được biết, tổng chi phí cho đợt điều trị của cháu là 120 triệu đồng, trong đó Quỹ BHYT đã hỗ trợ chi trả 80% tương đương khoảng hơn 90 triệu đồng. Chị Huyền cho biết: “Hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nên số tiền 120 triệu đồng đối với gia đình là cả một gia tài. Thật may mắn vì con gái tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Quỹ BHYT, nếu không chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao”.

Cháu Hồ Thị Thục Uyên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp HSSV được Quỹ BHYT chi trả trong quá trình khám, chữa bệnh (KCB). Theo số liệu thống kê, năm học 2017 - 2018, BHXH đã trích 20.322.574.074 đồng để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua BHYT, HSSV đã được hưởng quyền lợi khi rủi ro, đau ốm phải điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, nhiều học sinh có chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng đã được Quỹ BHYT chi trả, điển hình như: Em Nguyễn Thế Anh (TP Vinh) 259.051.287 đồng; em Hồ Viết Anh (Nam Đàn) 188.667.923 đồng; em Ngô Thị Thủy (Quỳnh Lưu) 186.452.161 đồng; em Lê Thị Yến My (Nam Đàn): 166.920.500 đồng; em Nguyễn Văn Nhân (Anh Sơn) 154.328.963 đồng; em Ngô Tuấn Đạt (TP Vinh) 154.263.517 đồng; em Nguyễn Viết Anh (Đô Lương) 128.380.665 đồng; em Đậu Đình Hoàng (TP Vinh) 120.680.138 đồng...

Nỗ lực thực hiện BHYT học sinh, sinh viên

Xác định rõ những quyền lợi thiết thực mà BHYT mang lại cho các đối tượng HSSV, thời gian qua, các đơn vị trường học đã phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tuyên truyền, vận động, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT. Điển hình như Hội thi “Rung chuông vàng” được BHXH tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn chỉ đạo BHXH huyện phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức hàng năm nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về Luật BHYT, trong đó có chính sách BHYT HSSV; đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như thấy được quyền lợi, trách nhiệm và tính chia sẻ cộng đồng khi tham gia BHYT… Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT, đặc biệt là các trường học đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH địa phương để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT cho HSSV.

Ngoài ra, ngành BHXH cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch, chủ động phối hợp với các đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức của HSSV và các bậc phụ huynh trong tham gia BHYT.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác BHYT HSSV trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Nếu như năm học 2012 - 2013, cả tỉnh mới chỉ có 79,86% HSSV tham gia BHYT thì đến năm học 2013 - 2014, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã tăng lên gần 88,55%. Đến năm học 2014 - 2015, con số này là 90,39%, tương ứng với 488.698 HSSV có thẻ BHYT. Đáng chú ý, năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên BHYT HSSV thực hiện theo Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT năm 2008, mặc dù mức đóng được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; giảm mức chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế trường học từ 12% xuống 7% kèm theo các điều kiện cụ thể, tuy nhiên tỉ lệ HSSV tham gia BHYT vẫn đạt 91,88%, với 499.877 HSSV tham gia. Đến năm học 2016 - 2017, số HSSV tham gia BHYT đạt 93,96%.

Đặc biệt, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 534.300 HSSV tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 95,49%; trong đó nhiều trường có tỉ lệ học sinh tham gia cao như tại TP Vinh: Trường THCS Hưng Bình (100%), Trường THCS Đặng Thai Mai (100%), Trường THPT Hà Huy Tập (100%); tại TX Cửa Lò: Trường Tiểu học Nghi Hương (100%), Trường THCS Lê Thị Bạch Cát (100%), Trung tâm giáo dục thường xuyên (100%); tại huyện Tân Kỳ: Trường Tiểu học Đồng Văn 1 (100%), Trường THCS Nghĩa Đồng (100%), Trường THPT Tân Kỳ (100%); riêng huyện Nam Đàn có 100% trường học đóng trên địa bàn huyện đều có HSSV tham gia BHYT với tỉ lệ 100%. Tổng số tiền thu BHYT HSSV là 209.136.879.458 đồng; trong đó: HSSV tự đóng 146.395.815.621 đồng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 62.741.063.837 đồng.

Những lợi ích do BHYT mang lại đã quá rõ ràng và được minh chứng bằng rất nhiều trường hợp HSSV được Quỹ BHYT chi trả trong quá trình KCB. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện BHYT HSSV tại một số trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng HSSV tham gia BHYT tăng dần qua các năm nhưng năm học 2017 - 2018 mới chỉ đạt 95,49%, chưa đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao 100%; so với tổng số HSSV còn 4,51% số HSSV thuộc diện tham gia nhưng chưa được tham gia BHYT. Có 2 địa phương có tỉ lệ HSSV tham gia BHYT thấp hơn so với mặt bằng chung là Quỳnh Lưu (87,81%), Diễn Châu (86,14%) và vẫn còn một số trường có tỉ lệ HSSV tham gia thấp.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều HSSV và phụ huynh chưa nhận thức rõ những lợi ích thiết thực của BHYT mang lại. Đặc biệt, đối với các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở vùng nông thôn, miền núi, các bậc phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản rằng, không đóng BHYT cho con đồng nghĩa với việc tiết kiệm được một khoản chi phí. Tuy nhiên, họ không lường trước được rằng, nếu con cái mình đóng BHYT và trong trường hợp bị bệnh phải đi điều trị, thậm chí bị tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo thì lúc đó, Quỹ BHYT chính là “phao cứu sinh” giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế.

Thực tế đã chứng minh, chính sách BHYT đối với HSSV, trước mắt là nguồn hỗ trợ tài chính khi các em bị ốm đau, bệnh tật, nhưng sâu xa hơn đó là chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Trong năm học 2018 - 2019, tỉnh Nghệ An phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành liên quan. Đặc biệt, ngành BHXH cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; trong đó, tiếp tục phối hợp với ngành GD&ĐT trong công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần có cái nhìn đúng đắn, khách quan về việc tham gia BHYT, đừng vì tiết kiệm một khoản tiền nhỏ mà đánh mất những quyền lợi thiết thực của con em mình và tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc khi nhiều trường hợp HSSV không may bị ốm đau, bệnh tật.

An Nhiên

Các tin khác