Kinh tế xã hội

Viết tiếp bài 'Nhân viên Ngân hàng BIDV bị 'tố' chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng'

Lãnh đạo Ngân hàng BIDV nói gì?

08:59, 11/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An số ra ngày 8/10/2018 có bài viết: “Nhân viên Ngân hàng BIDV bị “tố” chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng”, phản ánh nội dung bà Phạm Thị Lục (68 tuổi) trú tại thôn Thọ Tiến, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về việc quá trình gửi tiết kiệm tại Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, bà đã bị nhân viên chăm sóc khách hàng Trần Thị Thủy lợi dụng, rút và chiếm đoạt số tiền 32 triệu đồng. Sự việc xảy ra đúng 1 năm sau, khi đến kỳ hạn rút sổ tiết kiệm, bà Lục đến ngân hàng làm thủ tục mới vỡ lẽ.

Tuy nhiên, quá trình khiếu nại, phía người bị tố cáo, lãnh đạo Ngân hàng đã phủ nhận vụ việc, các dữ liệu liên quan cũng không đủ chứng cứ để chứng minh việc nhân viên này có chiếm đoạt tiền của khách hàng hay không.

Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh
Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh

Quá trình thu thập thông tin, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Kiều Đình Hoà, Giám đốc BIDV Hà Tĩnh và được ông này ủy quyền làm việc đến Giám đốc PGD Chi nhánh BIDV Hồng Lĩnh. Ngày 26/10, chúng tôi đã có buổi làm việc chính thức với bà Phạm Thị Mai Hòa, Giám đốc PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh. Trả lời phóng viên về quy trình gửi tiết kiệm tại BIDV, bà Hòa cho biết, có 2 cách để gửi, hoặc đến gửi trực tiếp tại giao dịch viên ở ngân hàng, hoặc gửi tiết kiệm thông qua bộ phận kho quỹ, sau đó bộ phận này sẽ chuyển tiền cũng như thủ tục đến giao dịch viên và trường hợp của bà Phạm Thị Lục rơi vào cách thứ hai.

Liên quan đến việc ở một bộ phận quan trọng như ngân hàng, nhưng sự việc xảy ra từ 1 năm trước mà hệ thống dữ liệu camera an ninh không còn lưu giữ, theo lý giải của bà Hòa là do bộ nhớ có hạn nên hệ thống camera tại đây chỉ lưu giữ trong khoảng thời gian 100 ngày, nếu vượt quá thời gian nói trên sẽ tự động xóa dữ liệu cũ.

Đối với những việc mà theo tố cáo của bà Phạm Thị Lục là “khuất tất”, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhân viên BIDV như trong cùng một sổ tiết kiệm nhưng trong cùng 1 ngày, vừa ghi dòng tiền gửi (có ghi rõ số dư, lãi suất và đầy đủ chữ ký của giao dịch viên, kiểm soát viên) lại vừa ghi dòng tiền rút ra (có số dư, lãi suất, chữ ký của kiểm soát viên nhưng không có chữ ký của giao dịch viên), Giám đốc PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh cho biết, theo quy định mới (bắt đầu từ tháng 7/2018) thì không được rút từng phần, song trước đây ngân hàng này vẫn cho phép trên cùng một sổ tiết kiệm, khách hàng có thể được rút nhiều lần. Còn đối với việc gửi thêm vào cùng một sổ tiết kiệm như trường hợp bà Lục phản ánh, thì ngân hàng này từ trước đến nay không cho phép việc giao dịch này.

Trả lời phóng viên về việc khách hàng vừa lập sổ tiết kiệm xong, sau đó rút một phần tiền về nhưng phía nhân viên ngân hàng lại quên không yêu cầu nộp khoản phí phạt, đến khi nhớ ra “vì không muốn làm phiền tới khách hàng vì số phí phải nộp là số tiền nhỏ nên đã chủ động tự nộp thay cho khách hàng”, liệu đã từng có tiền lệ hay việc này có thường xuyên xảy ra tại BIDV?

Bà Phạm Thị Mai Hòa cho biết, việc quên thu này là lỗi của giao dịch viên, vậy nên có thường xuyên xảy ra hay không, bà Hòa cũng không nắm được, vì nhân viên không báo cáo với lãnh đạo. Việc quên thu cũng có thể xảy ra, nhưng do số tiền nhỏ, nhân viên lại đang chăm sóc khách hàng nên cán bộ cũng “giúp” cho khách hàng để đỡ phiền hà. Đối với sự việc của bà Lục, trách nhiệm chính thuộc về giao dịch viên Phạm Thị Tiến, mặc dù người này khi kiểm soát cuối ngày đã phát hiện ra đã báo với chị Trần Thị Thủy để báo với khách hàng.

Lãnh đạo PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh xác nhận, sau khi sự việc khách hàng “tố” bị mất 32 triệu đồng trong sổ tiết kiệm, bản thân giám đốc ngân hàng này đã trực tiếp 2 lần đến nhà bà Lục. Lần thứ nhất là để xem lại một số chứng từ mà khách hàng này thông báo là có ghi chép lại sau mỗi lần giao dịch và lần thứ 2 là đi cùng với nhân viên Trần Thị Thủy để xin lỗi bà Lục về thái độ thoái thác, từ chối trách nhiệm của nhân viên. Cụ thể, khi bà Lục phát hiện mất tiền, bà khiếu nại đến ngân hàng thì chị Thủy phủ nhận, cho rằng ngày bà Lục đến gửi sổ, nhân viên này không đi làm, không nộp phí phạt nhưng sau đó, người này lại thừa nhận là có đi làm vào ngày 10/7/2017 và là người trực tiếp nộp tiền phí phạt cho bà Lục. Ngoài ra, sau đó, chị Trần Thị Thủy cùng với chồng đã đến nhà bà Lục thêm một lần nữa để trao đổi sự việc liên quan.

Được biết, việc khách hàng gửi tiền tiết kiệm bị mất không phải lần đầu tiên xảy ra tại PGD Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh, mặc dù trước khi viện dẫn chứng cụ thể, Giám đốc PGD này vẫn khẳng định “chưa bao giờ xảy ra”. Cụ thể, ông Bùi Phan Chính trú tại phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, cũng là khách hàng thân thiết nhiều năm của BIDV. Khi ông Chính đến PGD BIDV Chi nhánh Hồng Lĩnh để giao dịch với sổ tiết kiệm 246 triệu đồng đến kỳ hạn, cộng với khoản lãi 7 triệu đồng, ông này lập lại sổ tiết kiệm mới để gửi ngân hàng với số tiền 253 triệu đồng. Tuy nhiên, nhân viên của PGD này chỉ lập sổ mới với số tiền 246 triệu đồng. Chiều cùng ngày, phát hiện ra sự việc, khách hàng này đã đến PGD khiếu nại và do sự việc được phát hiện trong ngày nên phía BIDV đã khắc phục sự cố ngay sau đó.

Liên quan đến vấn đề của bà Phạm Thị Lục, ngày 31/8/2018, Công an TX Hồng Lĩnh có thông báo cho biết, sau khi nhận được đơn của bà Lục, đơn vị đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu và làm việc với các bên liên quan. Tuy nhiên, trên cơ sở tài liệu thu thập được, không đủ căn cứ để xác định hành vi của chị Trần Thị Thủy có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như đơn tố cáo. Tuy vậy, Công an TX Hồng Lĩnh cũng “đề nghị lãnh đạo PGD Hồng Lĩnh Chi nhánh Ngân hàng BIDV có biện pháp chấn chỉnh công tác, đối chiếu các quy định để xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan và có hình thức xử lý theo đúng thẩm quyền”.

Thiện Thành

Các tin khác