Kinh tế xã hội

Tái diễn nạn khai thác cát trái phép trên sông Lam

15:06, 02/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam hoạt động rầm rộ trở lại. Hoạt động khai thác ngoài vùng cấp phép này không chỉ thất thoát tài nguyên, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở 2 bên bờ sông mà còn thất thu về thuế, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động.

Bãi tập kết cát, sỏi trái phép tại bến đò xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn
Bãi tập kết cát, sỏi trái phép tại bến đò xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn

Từ phản ánh của người dân trên địa bàn các huyện Đô Lương và Anh Sơn, ngày 29/3/2018, chúng tôi đã có chuyến xâm nhập thực tế để ghi nhận nạn khai thác cát trái phép hoành hành trên sông Lam, đoạn qua địa phận một số xã thuộc các huyện này và nhận thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở.

Từ thị trấn Đô Lương theo QL15A đoạn qua xã Tràng Sơn, ngay phía dưới chân đập bara khoảng 300 m, thời gian gần đây có 1 chiếc tàu với 3 vòi hút thường xuyên khai thác cát. Hoạt động này diễn ra từ khoảng 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa cùng ngày, không những hút gần thân đập mà còn sát bờ bãi phía bên xã Đặng Sơn làm ảnh hưởng đến việc thay đổi dòng chảy, gây nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Qua tìm hiểu, được biết khối lượng cát này sau khi hút xong sẽ di chuyển về bãi tập kết tự phát, không phép của một gia đình tại xóm 3, xã Bồi Sơn. Bãi tập kết này nằm gần QL7B, cách Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đền Quả Sơn không xa nhưng không hiểu sao không có bất cứ cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý.

Tiếp đó, dọc theo QL7B, hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lam diễn ra khá nhộn nhịp, đặc biệt là đoạn giáp ranh giữa 2 xã Ngọc Sơn (Đô Lương) với Tào Sơn (Anh Sơn). Tại vị trí này, từ đằng xa đã có thể nghe tiếng máy nổ vang rền cả một khúc sông. Địa phận xã Ngọc Sơn có mỏ cát “thổ phỉ” (không phép) của 1 người dân tên Thành, khai thác với quy mô khá lớn. Thời điểm chúng tôi xâm nhập, ngay cạnh bờ sông này có 1 máy hút cát công suất lớn đang trực tiếp hút cát, sỏi lên 1 chiếc máy sàng cạnh đấy, cũng đang làm nhiệm vụ phân loại cát, sỏi. Cách đó không xa, ngay giữa lòng sông, có ít nhất 3 chiếc tàu khác đang miệt mài hút cát tại bãi bồi để tập kết về bãi.

Ngược về thượng nguồn khoảng 200 m, ngay tại bến đò nối xã Tào Sơn với Lĩnh Sơn, 1 bãi khai thác cát, sỏi quy mô khác cũng đang hoạt động rầm rộ. Dưới sông 2 tàu hút cát đang ngang nhiên hoạt động; trên bến bãi, xe ôtô liên tục ra vào “ăn hàng”. Theo người dân địa phương, bến cát này của gia đình ông Vỹ ở xóm 3, xã Tào Sơn, hoạt động từ nhiều năm nay nhưng chưa hề được cơ quan chức năng cấp phép.   

Tàu khai thác cát, sỏi trái phép hoạt động rầm rộ trên sông Lam đoạn giáp ranh giữa xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn với xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương - (Ảnh chụp ngày 29/3/2018)
Tàu khai thác cát, sỏi trái phép hoạt động rầm rộ trên sông Lam đoạn giáp ranh giữa xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn với xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương - (Ảnh chụp ngày 29/3/2018)

Trên QL7A đoạn qua xã Lĩnh Sơn giáp ranh với xã Nam Sơn (Đô Lương), 1 bến cát tự phát của gia đình ông Ất, hoạt động từ nhiều năm nay cũng không được dẹp bỏ. Theo quan sát của phóng viên ngày 29/3, trên sông Lam đoạn qua bãi tập kết này, có từ 4 - 5 chiếc tàu đang “ăn hàng” giữa lòng sông, tạo nên một công trường khai thác rất nhộn nhịp. Điều đáng nói, hoạt động khai thác cát “thổ phỉ” này đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân khi gây sạt lở đất trầm trọng, thiệt hại đến nhiều diện tích mía trên đất bãi khiến người dân rất bức xúc.

Ông Phạm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết thêm: Khoảng 4 ha đất hoa màu của người dân bị sạt lở, cuốn trôi vì khai thác cát, sỏi trái phép. Địa phương đã nhiều lần báo cáo huyện, huyện tổ chức đoàn kiểm tra nhưng sau đó tình trạng khai thác cát, sỏi bừa bãi tiếp tục trở lại bình thường.

Việc khai thác cát, sỏi trái phép gây ra những hệ lụy nhãn tiền, như làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở hai bên bờ sông Lam trong thời gian qua, người dân đã lãnh đủ. Không chỉ mất đất sản xuất, mất hoa màu trồng trọt trên đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của nhiều gia đình, đặc biệt là đoạn qua 2 xã Vĩnh Sơn, Lĩnh Sơn thuộc huyện Anh Sơn. Khai thác cát bừa bãi tại xã Bồi Sơn (Đô Lương) uy hiếp trực tiếp đến đê điều, đập bara và QL7A có nguy cơ bị sạt lở.

Đó là những bất cập trước mắt, cái thiệt hại lâu dài không thể đong đếm được chính là tài nguyên khoáng sản bị thất thoát trầm trọng. Với số lượng hàng trăm chiếc tàu khai thác theo dạng thổ phỉ dọc trên sông Lam mỗi ngày hiện nay, Nhà nước đã mất đi hàng nghìn m3 cát, sỏi tài nguyên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, ngành thuế đã thất thu một khoản tiền không hề nhỏ. Vì nếu được cấp phép khai thác, doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác, phải đóng các nghĩa vụ đầy đủ theo quy định.

Về vấn đề này, 1 doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Đô Lương cho rằng, việc để cho nạn khai thác cát, sỏi trái phép hoành hành tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Bởi, đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hằng năm đều phải thực hiện các khoản nghĩa vụ với Nhà nước và địa phương, phải đóng tiền cấp quyền và khai thác trong phạm vi được phép. Còn đối với các bến, bãi tập kết tự phát, họ có thể khai thác bất cứ nơi nào, miễn là trữ lượng cát, sỏi nhiều. Cũng do không phải đóng bất cứ khoản thuế phí nào nên “cát tặc” cũng thường xuyên bán phá giá. Trong khi khung giá cát hiện bán ra trên thị trường Đô Lương khoảng 70.000 đồng/m3 thì “cát tặc” bán với giá chỉ bằng một nửa, khiến cho các doanh nghiệp làm ăn “thật”, được cấp phép hết sức khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Ông Đặng Duy Đô, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Anh Sơn cho biết thêm: Trên địa bàn huyện Anh Sơn đến thời điểm hiện nay chỉ mới có 1 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi, còn lại đều hoạt động theo dạng “thổ phỉ”. Thời gian này, huyện đang thành lập đoàn kiểm tra để rà soát, xử lý những trường hợp vi phạm. Đối với các mỏ cát tại 2 xã Tào Sơn và Lĩnh Sơn, huyện cũng đã nhiều lần chỉ đạo chính quyền kiên quyết dẹp bỏ, tuy nhiên, gần đây các hộ dân này đang lập tờ trình xin cấp phép để tiếp tục hoạt động.

Ông Lê Xuân Hoan, Chủ tịch UBND xã Tào Sơn cho rằng, lực lượng chức năng địa phương bị hạn chế về phương tiện kỹ thuật để thực hiện kiểm tra, xử phạt các đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép trên sông. Ngoài ra, do sự phối hợp thiếu đồng bộ khi địa phương này làm mạnh tay nhưng các xã, huyện lân cận lại thờ ơ khiến “cát tặc” phản ứng dữ dội khi cho rằng, xử lý thiếu công bằng, là những cái khó khi xử lý vấn nạn này.

Trong một diễn biến khác, đầu năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản (cát, sỏi) trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và TP Vinh. Mặc dù chưa kết thúc đợt kiểm tra, song số liệu mà tổ này đưa ra khiến không ít người giật mình: Tổng trữ lượng cát, sỏi thuộc lưu vực sông Lam ước tính khoảng 40 triệu m3 và tổng công suất khai thác được cấp thẩm quyền cấp phép ở thời điểm hiện tại là trên 380.000 m3/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổng khối lượng cát, sỏi kinh doanh đã được kê khai thuế lên đến trên 1,16 triệu m3, gấp 3 lần công suất cấp phép, chiếm 1/7,5 trữ lượng cấp phép khai thác. Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, ngày 1/6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 47/QĐ-UBND.

Quy chế này đã chỉ rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã nơi địa bàn có cát, sỏi lòng sông phải có trách nhiệm thống kê, kiểm kê, quản lý toàn bộ số tàu, thuyền, bến bãi, số lao động tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn, phát hiện, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ cát, sỏi vùng giáp ranh chưa cấp phép khai thác nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hiệu quả đồng bộ. Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Riêng Chủ tịch UBND cấp huyện, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Quy định là vậy, thế nhưng không hiểu sao, vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, thường xuyên và với tần suất ngày càng nhiều hơn trước mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía chính quyền địa phương các cấp.

Thiện Thành

Các tin khác