Kinh tế xã hội

Bất cập tái định cư

09:54, 01/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Do thiếu vốn, chủ đầu tư thi công ẩu, làm sai thiết kế, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng… là những nguyên nhân dẫn đến bất cập tại các khu tái định cư (TĐC) hiện nay trên địa bàn Nghệ An. Hệ quả, những người nhường đất cho dự án để chuyển đến nơi ở mới phải chịu nhiều thiệt thòi.

Một góc tái định cư thủy điện bản Vẽ tại huyện Thanh Chương
Một góc tái định cư thủy điện bản Vẽ tại huyện Thanh Chương
Dự án di dời dân phát triển kinh tế tại bản Pà Lâu, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 134/QĐ-UBND-NN ngày 14/01/2009, với tổng mức đầu tư 16,6 tỉ đồng. Trước năm 2014, dự án đã hoàn thành các hạng mục: Đường giao thông; hệ thống nước sinh hoạt tự chảy; nhà mẫu giáo và tổ chức ổn định dân cư cho 50 hộ dân tại bản Pà Lâu, xã Nậm Nhoóng. Từ đó đến nay, một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành, như: Đường điện đã thi công dựng xong phần cột, hiện nay đang thi công dở dang do thiếu vốn; nhà sinh hoạt cộng đồng chưa triển khai thực hiện do không được bố trí  vốn. Theo Quyết định 134 thì dự án đã kết thúc từ năm 2015, do đó, từ 3 năm qua, huyện Quế Phong không được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục này. 
 
Cũng tại huyện Quế Phong, dự án TĐC Pù Sai Cáng tại xã Thông Thụ được khởi công từ đầu năm 2012 và theo kế hoạch, đến tháng 9/2012 hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, công trình vẫn còn dang dở, thậm chí bỏ hoang, không có người sử dụng. Một số hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp như khu sinh hoạt cộng đồng, trường mầm non và trường tiểu học. Dự án do Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, có tổng dự toán hơn 3,5 tỉ đồng, được xây dựng để đưa bà con trong vùng ảnh hưởng bởi công trình thủy điện Hủa Na đến đây để tái định canh, định cư. Nguyên nhân dẫn đến khu TĐC tiền tỉ bị bỏ hoang, theo lãnh đạo huyện Quế Phong là do bất cập từ khâu chọn vị trí. Khu TĐC này nằm trên khu đất núi cao và dốc, không thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt là không có nước sinh hoạt. Do đó, thay vì đến nơi ở mới, khi công trình hoàn thành, 34 hộ dân đã quay lưng, chọn phương án di dân tự do. 
 
Liên quan đến các dự án TĐC do ảnh hưởng từ thủy điện, thủy lợi, trên địa bàn Nghệ An hiện nay có 4 dự án được Thủ tướng quyết định đầu tư hoặc chấp nhận đầu tư có di dân TĐC. Trong đó, 3 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành: Thuỷ điện Bản Vẽ, Thuỷ điện Hủa Na, Thuỷ điện Khe Bố, với tổng số hộ di dân TĐC là 4.969 hộ, 22.099 khẩu đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Bên cạnh những mặt đạt được như hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng…, tại nhiều dự án TĐC vẫn còn tồn tại những bất cập, như công tác giao đất còn chậm, chất lượng đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, một số điểm TĐC chưa giao đủ đất sản xuất nông nghiệp, đất ruộng nước. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng bị hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa.
Cuộc sống của người dân tại các khu tái định cư đã đổi thay, song vẫn còn nhiều khó khăn
Cuộc sống của người dân tại các khu tái định cư đã đổi thay, song vẫn còn nhiều khó khăn
Đơn cử, sau hơn 10 năm di cư nhưng đến nay, tại khu TĐC Thủy điện bản Vẽ ở huyện Thanh Chương, vẫn còn 75 hộ của bản Chà Coong 2, xã Thanh Sơn chưa giao đủ đất sản  xuất. Dự án Thuỷ điện Hủa Na còn 311 hộ chưa được giao đất lâm nghiệp, 746 hộ chưa được giao đất lúa nước. Đối với đất sản xuất, hầu hết các điểm TĐC đều chưa được cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất ở còn chậm, chưa hoàn thành. Thậm chí, số liệu thống kê cho thấy, Thuỷ điện Bản Vẽ đã có 207 hộ với 626 khẩu quay lại và cư trú, làm ăn trên khu vực lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý về mặt Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT trên địa bàn.
 
Không chỉ ở miền núi, ngay tại các vùng đồng bằng, thậm chí là thành phố, vấn đề TĐC cũng tồn tại nhiều bất cập. Để nhường đất cho dự án nối QL46 với đường ven sông Lam, nhiều hộ dân xóm Kim Mỹ, xã Nghi Ân, TP Vinh đã nhường đất. Tuy nhiên, không ít người ngán ngẩm khi được đổi lại khu ở mới là một mặt bằng trũng, ruộng sâu chưa được thi công hạ tầng.
 
Hay như khu vực TĐC thuộc khối 8, phường Nghi Hương, TX Cửa Lò, sau gần 4 năm đưa vào sử dụng, người dân đã kêu trời vì hạ tầng bất cập, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Khu TĐC này được bố trí để nhường đất làm đường 72 m nối Vinh - Cửa Lò. Suốt 3 năm qua, người dân ở đây không được đấu nối nước sạch để dùng. Trạm biến áp dùng cho khu vực TĐC đã xây dựng nhưng không được đưa vào sử dụng, các hộ dân ở đây phải dùng điện đấu nối với khối bên cạnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng vì hệ thống mương không thoát được nước, nước bẩn và rác thải đọng lại ở các hố ga, gây mùi hôi cả khu vực TĐC. Người dân cho rằng, nhiều hạng mục đến nay đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng như trạm biến áp, cột đèn đường, hố ga… khiến họ phải sống trong bất an, nhưng đã trót nhường đất cho dự án, đến nay muốn quay về nhà cũ cũng chẳng còn lối để về.

Hồng Nhung

Các tin khác