Kinh tế xã hội

Kết thúc kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Thông qua các nghị quyết quan trọng

09:17, 23/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau 2,5 ngày làm việc theo đúng thời gian, nội dung và chương trình đề ra, ngày 20/12, Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVII đã chính thức bế mạc. Trong suốt thời gian diễn ra Kỳ họp, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu kỳ họp đã nghiêm túc, tập trung trí tuệ thảo luận, biểu quyết nhiều vấn đề quan trọng, thể hiện trách nhiệm trước cử tri và toàn thể nhân dân.

Biểu quyết thông qua các nghị quyết
Biểu quyết thông qua các nghị quyết
Thẳng thắn, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn
 
Mở đầu nội dung này, dưới sự chủ trì của các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Nghĩa Hiếu. 
 
Theo lãnh đạo ngành NN&PTNT trình bày: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt nhiều kết quả tốt, diện tích rừng tăng nhanh, ổn định; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, bất cập, nhất là tình trạng chuyển nhượng, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp có rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương như: Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông; tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng diễn ra tương đối phức tạp và không được giải quyết dứt điểm.
 
Đáng chú ý, trong công tác quản lý của ngành, vấn đề gây sự chú ý của cử tri đó là để xảy ra một số vụ việc khai thác gỗ trái phép tại các khu rừng tự nhiên giàu tài nguyên, khu vực biên giới Việt Nam - Lào như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tình trạng chặt phá rừng tự nhiên… Theo người đứng đầu ngành NN&PTNT, nguyên nhân của thực trạng trên là do: Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay chưa tiến hành đồng thời với việc giao rừng, cho thuê rừng (đánh giá tài sản trên đất). Công tác phối, kết hợp giữa các lực lượng liên huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, đặc biệt là các lực lượng 2 vùng giáp ranh giữa các huyện. Một số cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa bám sát địa bàn cơ sở, thiếu sâu sát, tinh thần trách nhiệm chưa cao, ít đi tuần tra rừng, nắm bắt thông tin trong nhân dân. 
 
Sau khi nghe các vị đại biểu đặt câu hỏi và trả lời của người đứng đầu ngành, được sự gợi ý của chủ tọa Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh đã phát biểu, nêu rõ những bất cập trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, với chức năng là cơ quan phối hợp và thực thi pháp luật về công tác bảo vệ rừng khi có dấu hiệu tội phạm. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: Trước tình trạng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép diễn ra phức tạp, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Công an vào cuộc xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”. Trong năm 2017, chỉ riêng lực lượng Công an đã phát hiện hơn 170 vụ phá rừng, với 170 đối tượng tham gia; trong đó thu được gần 500 m3 và 15 tấn lâm sản các loại. Các vụ việc vi phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Tương Dương, TX Hoàng Mai. Hiện nay, cơ quan CSĐT đã khởi tố 14 vụ, 39 đối tượng về các tội danh vi phạm quy định khai thác trái phép rừng, huỷ hoại rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Qua quá trình xác minh, điều tra của lực lượng Công an, có 17 vụ có dấu hiệu tội phạm. 
 
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định, hiện nay các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng hết sức chặt chẽ. Do đó, đồng chí đề xuất thời gian tới cần làm rõ trách nhiệm cũng như UBND tỉnh sớm ban hành quy chế phối hợp đối với 4 chủ thể trong công tác bảo vệ rừng, đó là chủ rừng (ban quản lý rừng phòng hộ), Kiểm lâm địa bàn, Chủ tịch UBND các xã có rừng, lực lượng Biên phòng nơi có rừng. “Quan điểm của ngành Công an là tập trung điều tra, làm rõ các vụ hủy hoại rừng dưới các hành vi, đồng thời thường xuyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để có hướng xử lý nghiêm các vụ án liên quan. Có như thế mới đủ sức răn đe người dân và hạn chế được những vi phạm liên quan đến khai thác rừng”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh. 
 
Tại nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Kỳ nêu rõ: Được sự quan tâm của tỉnh và các sở ngành, các thành viên Ban ATGT và sự ủng hộ của nhân dân, công tác đảm bảo trật tự ATGT được triển khai đồng bộ, quyết liệt, toàn diện với nhiều giải pháp tích cực, kịp thời khắc phục các vấn đề còn bất cập, tồn tại. Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tuy đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; vi phạm giao thông vẫn còn xảy ra nhiều.
 
Giải trình về những tồn tại này, người đứng đầu ngành GTVT đồng thời là Phó Ban ATGT tỉnh cho rằng, đó là do ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân còn hạn chế; công tác phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT chưa quyết liệt và thường xuyên; kết cấu hạ tầng giao thông mặc dù được đầu tư nhưng chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của phương tiện giao thông… Tại phiên chất vấn, các nội dung trọng tâm liên quan đến ATGT đã được các đại biểu chất vấn như TNGT đường sắt còn cao; làm rõ việc thu phí trạm BOT trên địa bàn tỉnh; tình trạng xe quá khổ, quá tải, kết quả công tác giải tỏa hành lang, vỉa hè còn khiêm tốn và chưa bền vững; giải pháp trong thời gian tới. 
 
Sau khi giải đáp chi tiết từng câu hỏi mà cử tri và đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở GTVT đã nêu ra một số giải pháp được cho là quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kéo giảm TNGT và kiểm soát tải trọng xe, đó là sử dụng công nghệ trong việc gắn chíp cho các phương tiện để kiểm soát vi phạm về tốc độ cũng như tải trọng xe của cơ quan quản lý Nhà nước; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt, lối dân sinh tự mở; bố trí nguồn lực hợp lý, xử lý các điểm bất cập hiện tại, tăng cường phương tiện, biển báo; xử lý vi phạm bằng hệ thống camera tự động trên các tuyến đường…
 
Thông qua 27 nghị quyết sát với đời sống xã hội
 
Trước khi kết thúc các nội dung theo chương trình kỳ họp, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua 27 nghị quyết quan trọng liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về đầu tư công năm 2018; Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai; Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đăc dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai để thực hiện công trình; Nghị quyết về phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức Hội năm 2018; Nghị quyết về giao biên chế công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước năm 2018;
 
Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị quyết 125/2014 ngày 16/7/2014 và Nghị quyết 200/2015 ngày 20/12/2015); Nghị quyết quy định về mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng; Nghị quyết quy định một số mức chi công tác phí, chi hội nghị; Nghị quyết thông qua kết quả giám sát tình hình quản lý, thực hiện một số dự án đất đô thị; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 70/2012 ngày 13/12/2012 của HĐND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2018 - 2020; Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước…
 
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh: Để các Nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống, ngay sau Kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh tổ chức triển khai kịp thời Nghị quyết của HĐND tỉnh; bám sát định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; quyết tâm đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2018.
 
Đối với các cơ quan TAND, Viện KSND, Thi hành án Dân sự và các cơ quan điều tra tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải cách tư pháp, xây dựng các cơ quan trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, đảm bảo cho pháp luật được tôn trọng, nghiêm minh; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm về tệ nạn; bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, tận tụy phục vụ nhân dân…

Xuân Thống

Các tin khác