Khoa học - Công Nghệ
Phẫu thuật ghép đầu người: Cộng đồng y khoa 'dậy sóng'
08:46, 23/12/2017 (GMT+7)
Cộng đồng y khoa trên khắp thế giới cho rằng phẫu thuật ghép đầu người là trái với đạo đức và rất nguy hiểm.
GS. Sergio Canavero- bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Italy- tuyên bố ông đã ghép đầu người thành công trên thi thể và sẵn sàng tiến hành ghép đầu người trên cơ thể sống.
Ca phẫu thuật được một nhóm chuyên gia dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Xiaoping Ren tại Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) thực hiện.
GS. Sergio Canavero và bác sĩ Xiaoping Ren |
Kết quả cho thấy, những kỹ thuật mới do Canavero phát triển có thể nối lại thành công cột sống, dây thần kinh và các mạch máu của một đầu người đã chết với phần thân của một thi thể khác. Ca phẫu thuật hoàn thành trong 18 giờ như mục tiêu đề ra ban đầu.
Về ca ghép đầu trên người sống dự kiến diễn ra ở Trung Quốc, bác sĩ Canavero nói, "có nhiều người trên khắp thế giới tình nguyện tham gia ghép đầu. Quyết định cuối cùng sẽ chỉ được đưa ra ngay trước ca phẫu thuật bởi vì nó còn phụ thuộc vào cơ thể người hiến tặng. Cơ thể người cho cần phải tương thích với người nhận về nhiều mặt", Canavero chia sẻ.
Phản ứng của cộng đồng y khoa
Cộng đồng y khoa trên khắp thế giới cho rằng phẫu thuật ghép đầu người là trái với đạo đức và rất nguy hiểm.
GS. Jan Schnupp tại Đại học Hongkong (Trung Quốc) cho biết: "Trên thực tế, việc cố gắng tiến hành loại phẫu thuật như vậy trong hoàn cảnh hiện nay không khác gì hành động phạm tội. Với tư cách một nhà khoa học về thần kinh, tôi muốn nói với mọi người rằng tôi hay bất kỳ đồng nghiệp nào của tôi đều nghĩ việc cắt rời đầu trong những thí nghiệm cực đoan, ít có khả năng thành công, là điều không thể chấp nhận".
Theo các chuyên gia, dự án của Canavero gần như nắm chắc thất bại. Nếu ca ghép đầu người sống diễn ra, nó sẽ là một thí nghiệm đáng sợ gây thương tổn cho bệnh nhân và thành công sẽ là điều tồi tệ hơn thất bại.
"Trừ khi Canavero hoặc Ren cung cấp bằng chứng thực sự cho thấy họ có thể ghép đầu trên một động vật lớn, con vật phục hồi đầy đủ chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống, nếu không, toàn bộ dự án này là sai trái về mặt đạo đức", ông James Fildes, nhà nghiên cứu chính tại Trung tâm Cấy ghép thuộc Bệnh viện Đại học South Manchester (Anh), nhận định.
Ông Fildes cho biết, điều đáng lo ngại hơn là nỗ lực ghép đầu người liên quan đến sự bất tử. Nhưng trong mỗi trường hợp đều cần cơ thể cấy ghép, do đó phải có một người tự nguyện chết để phục vụ quá trình phẫu thuật. Canavero định lấy cơ thể hiến tặng từ đâu nếu mục tiêu là chống lại quy luật tự nhiên? Và cuối cùng, nếu ghép đầu người trở thành hiện thực, liệu Canavero đã cân nhắc cách đối phó với hiện tượng tự đào thải những bộ phận trên đầu như da, cơ bắp, mắt và não?
GS. Canavero nói những thí nghiệm thành công gần đây của ông trên tử thi, chuột và khỉ, cho thấy kỹ thuật cấy ghép do ông phát triển đã mang lại hiệu quả. Nhưng các nhà khoa học nhấn mạnh Canavero không đưa ra được bằng chứng và thí nghiệm chỉ được xem là thành công nếu một cá thể sống sót sau quá trình phẫu thuật.
"Trong ca phẫu thuật ghép đầu, bác sĩ sẽ cắt đứt tủy sống và tất cả các dây thần kinh chạy qua cổ của bệnh nhân, khiến họ bị tê liệt. Mặc dù chúng ta đã có nhiều phát triển đáng khích lệ trong lĩnh vực y học tái tạo nhưng tổn thương ở tủy sống hiện nay không có cách nào phục hồi được. Thành công thực sự của một ca phẫu thuật ghép đầu người không thể đánh giá trên tử thi. Do đó, chúng ta cần thận trọng khi làm sáng tỏ thí nghiệm Canavero vừa công bố", ông Catherina Becker, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Khám phá Não tại Đại học Edinburgh (Anh) nói.
GS. Frances Edwards tại Đại học College London (ULC) thì cho rằng: "Tôi hoài nghi về thí nghiệm này. Không biết họ đã làm những gì vì không có báo cáo khoa học được công bố. Nhưng nếu ca phẫu thuật xảy ra, người được ghép đầu sẽ trở thành ai?"
Nguồn: Chinhphu.vn