Kinh tế xã hội
Bàn những việc cần làm ngay!
(Congannghean.vn)-Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân tỉnh nhà. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của đại biểu với các vấn để nổi lên trong thời gian qua mà còn giúp các ngành từng bước hoàn thiện vai trò quản lý Nhà nước.
ua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa các đại biểu HĐND với cử tri. Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII, dựa trên tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu của cử tri, HĐND tỉnh đã lựa chọn 3 vấn đề liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, giáo dục và bảo hiểm xã hội để các đại biểu tiến hành chất vấn và nghe thủ trưởng các cơ quan trả lời chất vấn tại hội trường. Những vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực trên đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các đơn vị liên quan trong việc giải quyết, xử lý và thực hiện những nội dung mà các cử tri kỳ vọng.
Các đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII |
Những vấn đề làm “nóng” hội trường
Trong 2,5 ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII đã dành 1 phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào chiều 15/12. Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi và nhận được 35 phiếu chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh với 53 câu hỏi gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Qua thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp và hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát của HĐND tỉnh cũng như nắm bắt dư luận xã hội, Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn và trình HĐND tỉnh quyết định tiến hành chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề: Công tác quy hoạch xây dựng các khu chung cư cao tầng trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là TP Vinh còn nhiều bất cập; việc cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng các khu chung cư cao tầng còn để xảy ra thiếu sót, sai phạm; việc triển khai mô hình trường học mới và công tác “xã hội hóa” tại các trường học trên địa bàn tỉnh còn có nhiều bất cập; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội; bội chi Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề lạm thu |
Ngay sau phần trình bày của đại diện ngành Xây dựng, Hội trường đã thực sự “nóng” lên với các ý kiến chất vấn thẳng thắn của các đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị An Chung yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của Sở Xây dựng và chính quyền các cấp đối với các công trình cấp phép. Còn đại biểu Trần Duy Ngoãn thắc mắc, liệu với các công trình vi phạm, có hiện tượng “chống lưng” hay có thế lực nào không? Về vấn đề này, ông Trần Trọng Kim cho rằng: Những vi phạm này nằm trong 4 nội dung của quản lý trật tự đô thị, theo yêu cầu công trình phải có giấy phép và kiến trúc được duyệt, các đơn vị liên quan phải phối hợp xử lý theo đúng quy trình. Trong thời gian qua, Sở đã có những biện pháp xử lý với một số công trình vi phạm: Khách sạn Mường Thanh Cửa Đông xây dựng kiến trúc ngầm ngoài kiến trúc chung, Sở đã yêu cầu phải tháo dỡ. Hay như Tập đoàn Bảo Sơn xây dựng công trình gây nứt nẻ hộ dân xung quanh, hiện Sở kết hợp Trung tâm Kiểm định xây dựng xác định rõ mức thiệt hại và bước đầu thực hiện đền bù cho các hộ dân.
Vấn đề nợ đọng BHXH và quỹ BHYT cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu HĐND và cử tri tỉnh nhà. Theo báo cáo của ngành BHXH Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 7.945 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN, năm 2016 dự toán thu là 4,535 tỉ đồng. Tính đến ngày 31/10/2016, nợ BHXH là 135,768 tỉ đồng, chiếm 6,2%. Trong đó, các doanh nghiệp nợ 99,286 tỉ đồng. Điều đó cho thấy nợ đọng BHXH còn ở mức cao. Cũng theo báo cáo BHXH Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2016, số chi BHYT của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đề nghị cơ quan BHXH thanh toán vượt khả năng cân đối quỹ BHYT là 334 tỉ đồng. Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của BHXH để giải quyết tình trạng trên.
Tại Hội trường, ngoài các ý kiến của các đại biểu liên quan đến vấn đề quy hoạch chung cư và BHXH, có nhiều ý kiến tập trung chất vấn người đứng đầu ngành Giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sau khi nghe bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo những kết quả làm được trong hai lĩnh vực trên, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với cơ chế xã hội hóa và hiệu quả việc thực hiện mô hình trường học mới tại Nghệ An. Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, trong báo cáo của Sở vẫn chưa phân tích mặt chưa tốt của mô hình trường học mới, chỉ ra điểm tốt và chưa tốt.
Sở có giải pháp gì để hạn chế mặt chưa tốt của mô hình trường học mới? Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Thực ra những băn khoăn của đại biểu cũng chính là băn khoăn của ngành khi triển khai, bởi trên thực tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước nhiệm vụ mới, yêu cầu đổi mới không thể không làm. Mục đích mô hình trường học mới là tốt đẹp, chỉ có điều triển khai như thế nào cho hiệu quả? Về điều kiện áp dụng mô hình trường học mới, Sở đã chọn trường có lớp có sỹ số học sinh dưới chuẩn, giáo viên phải được tập huấn và nguồn tài liệu phục vụ dạy và học. Theo báo cáo, chất lượng của 2 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Hưng Dũng đều vượt chất lượng chuẩn trong đề thi của Sở.
Về vấn đề lạm thu, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: Vấn đề dạy thêm, học thêm khiến cử tri bức xúc, trong năm 2016, Giám đốc Sở GD&ĐT đã tham mưu cho tỉnh tổ chức kiểm tra bao nhiêu đơn vị, xử lý bao nhiêu đơn vị đã lạm thu? Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An giải trình: Sở rất coi trọng công tác kiểm tra giám sát, hàng năm Sở tiến hành thường xuyên 2 lần qua thanh tra chuyên đề về dạy thêm học thêm và lạm thu tại các cơ sở giáo dục. Năm nay, Sở chưa kiểm tra hết 21 huyện, chỉ mới lựa chọn 9 huyện cấp THPT. Tại mỗi huyện, Sở đều có biên bản kiểm tra và làm công văn gửi UBND huyện nêu rõ hiệu trưởng nào vi phạm đề nghị xử lý kỷ luật.
Còn nhiều việc phải làm
Tại phiên chất vấn, đại diện các ngành cũng đã xác định rõ nguyên nhân và nhận trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách. Ông Lê Trường Giang, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An cho rằng, trong thời gian qua, BHXH mặc dù đã tăng cường quản lý quỹ BHYT nhưng công tác kiểm tra tại các đơn vị còn chậm. Việc dự báo để triển khai các giải pháp bước đầu vẫn còn lúng túng và chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng hứa sẽ rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức quán triệt chủ trương, tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Riêng về vấn đề xã hội hóa giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển GD&ĐT; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tài chính, nhân sự; ban hành các cơ chế bình đẳng giữa hệ thống GD&ĐT công lập và ngoài công lập trong tham gia đào tạo nguồn nhân lực xã hội và hưởng các hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.
Về nội dung chất vấn của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường khẳng định: Về vấn đề này, đã có Chỉ thị số 18 hướng dẫn cụ thể. Ngay 17 giờ ngày 15/12, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chủ trì đối thoại với 17 chủ doanh nghiệp có cần cẩu tháp có yêu cầu tháo dỡ và bàn giải pháp cụ thể. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng hứa với Hội đồng và cử tri tỉnh nhà sẽ kiên quyết xử lý.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: HĐND tỉnh đề nghị và mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, trong đó chủ yếu là các Sở Xây dựng, GD&ĐT và BHXH triển khai thực hiện tốt kết luận của HĐND tỉnh, những lời hứa của các đồng chí giám đốc tại phiên chất vấn này và báo cáo kết quả thực hiện cho HĐND tỉnh vào kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII. HĐND tỉnh cũng mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể và cử tri tỉnh nhà thường xuyên theo dõi, quan tâm và phối hợp giám sát việc thực hiện những kết luận của HĐND, những kiến nghị, ý kiến, lời hứa của giám đốc các sở, ngành trong buổi chất vấn được thực hiện có hiệu quả. Để những lời hứa đó không dừng lại ở lời nói mà sớm đi vào thực tiễn, được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Mai Hậu