Kinh tế xã hội
Đào tạo nghề cho ngư dân Vẫn còn bỏ ngỏ?
(Congannghean.vn)-Vươn khơi, bám biển là truyền thống “cha truyền con nối” từ nhiều đời nay đối với ngư dân, vì vậy, họ đã đúc rút kinh nghiệm về xử lý sự cố tàu thuyền, thiên tai… từ thực tiễn để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, để ngư dân làm chủ được tàu to, thuyền lớn với các phương tiện máy móc ngày càng hiện đại thì công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn chưa được quan tâm, chú trọng.
Xử lý sự cố bằng kinh nghiệm
Có một thực tế phải công nhận rằng, kinh nghiệm từ dân gian đúc kết xét ở khía cạnh nào đó của cuộc sống thì nó là “bảo bối” để thế hệ sau áp dụng. Đối với ngư dân cũng vậy, để có được kinh nghiệm đi biển, mỗi chuyến ra khơi gặp “trời yên biển lặng”, họ phải đúc kết từ nhiều đời mới có được. Cả khi xử lý những sự cố về máy móc, phương tiện tàu thuyền đang tham gia đánh bắt trên biển, họ cũng sử dụng kinh nghiệm truyền thống của cha ông để khắc phục.
Ngư dân hiện nay đang bị động trong công tác xử lý sự cố máy móc tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển |
“Trên tàu của tôi cũng có trang bị đầy đủ phương tiện la bàn, ICOM liên lạc, điện… để phục vụ đánh bắt cá. Còn để lựa chọn vùng biển để trúng luồng cá, mực thì chỉ còn cách dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Bây giờ, nhiều phương tiện máy móc hiện đại, tuổi cao nên việc áp dụng để điều khiển với tôi không dễ dàng cho lắm mà phải trông nhờ vào lớp trẻ họ nắm bắt nhanh hơn”, anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã tham gia đi biển được gần 20 năm nay chia sẻ.
Không thể phủ nhận được việc đúc kết kinh nghiệm quý báu trong việc đánh bắt thuỷ sản trên biển của ngư dân. Chính trong quá trình vươn khơi, bám biển, họ sáng tạo ra những cách làm hay để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì hầu hết kinh nghiệm xử lý sự cố nói trên chỉ áp dụng đối với những tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt trong lộng. Còn đối với những phương tiện công suất lớn, máy móc hiện đại thì kinh nghiệm truyền thống không thể áp dụng được.
Nâng cao tay nghề cho ngư dân
Khi được hỏi về công tác làm chủ phương tiện, máy móc hiện đại trên các tàu thuyền lớn thì rất ít ngư dân ở tỉnh ta có thể thành thục được. Thực tế trong thời gian qua, đã có không ít tàu thuyền công suất lớn bị hư hỏng, nhiều chủ tàu đã phải gọi “cứu trợ” ngay khi đang trực tiếp đánh bắt trên biển. Nhiều tàu đã phải nhờ các phương tiện khác lai dắt về bờ mới có thể sửa chữa được máy móc. Chưa kể, không ít trường hợp đánh bắt ngoài khơi xa, tàu máy bỗng dưng bị hỏng thì tất cả các thuyền viên lẫn chủ tàu chỉ còn lênh đênh trên biển. Thuyền viên thiếu, yếu về tay nghề kỹ thuật để có thể sẵn sàng khắc phục sự cố máy móc, phương tiện tàu thuyền là thực trạng đang tồn tại hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Công tác tập huấn, phổ biến về kiến thức, pháp luật an toàn tàu cá và vùng lãnh hải chủ quyền tham gia đánh bắt hải sản cũng đã được triển khai. Hàng năm, trên địa bàn cũng đã tổ chức từ 1-2 lớp đào tạo thuyền trưởng ngắn hạn cho ngư dân. Tuy nhiên, những lớp đào tạo này mới chỉ dừng lại ở khâu phổ biến pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thuyền trưởng tàu cá, nghiệp vụ hàng hải… Còn về công tác đào tạo nghề kỹ thuật để ngư dân chủ động khắc phục sự cố ngay khi tham gia đánh bắt trên biển vẫn chưa được triển khai có hiệu quả.
Ngoài ra, qua tìm hiểu thì trong những năm qua, do kinh phí hàng năm hạn chế nên để nâng cao kỹ năng xử lý sự cố kỹ thuật máy móc tàu thuyền, nhiều địa phương vẫn chưa thể triển khai. Chính vì vậy, để giúp ngư dân làm chủ phương tiện tàu to, thuyền lớn, công tác đào tạo nghề kỹ thuật cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Đây cũng là một phần thiết yếu quan trọng trong công tác hậu cần nghề cá, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển dài ngày. Bên cạnh đó, cần mở rộng các lớp đào tạo nghề trực tiếp cho ngư dân, nâng cao tay nghề kỹ thuật, tránh trường hợp các thuyền viên bị động mỗi khi máy móc gặp sự cố. Để làm tốt vấn đề này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí thì công tác tuyên truyền cho ngư dân tham gia các lớp đào tạo nghề cũng cần mở rộng hơn nữa.
Đăng Quang