Kinh tế xã hội

Tạo sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số

08:37, 14/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Nghệ An” được coi là một hợp phần quan trọng trong chiến lược quốc gia năm 2012 - 2017 của Tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam (Action Aid) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Nghệ An triển khai. Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần làm thay đổi đời sống của thanh niên các dân tộc thiểu số (DTTS).

Trên thực tế, thanh niên các DTTS ở các địa phương chưa phát huy được năng lực của mình do những thói quen trong phong tục tập quán và khó khăn của điều kiện tự nhiên, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển KT – XH chưa được khẳng định.

Tập huấn trồng rễ hương cho thanh niên DTTS (Ảnh: Phương Thủy)
Tập huấn trồng rễ hương cho thanh niên DTTS (Ảnh: Phương Thủy)

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ thanh niên các DTTS miền Tây Nghệ An thực hiện giải pháp sinh kế mới để thay thế cho những loại hình sinh kế hiện không mang lại tăng trưởng bền vững và không thay đổi được vị thế của thanh niên DTTS tại địa phương. Sau khi khảo sát điều kiện thực tế, Tổ chức AA (Action Aid) và Liên minh HTX Nghệ An đã chọn Quế Phong làm huyện đầu tiên triển khai thí điểm Dự án này.

Đồng chí Nguyễn Minh Thuần, Bí thư Huyện đoàn Quế Phong cho biết, ngay sau khi Quế Phong được lựa chọn là địa bàn triển khai thí điểm Dự án, Huyện đoàn đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tiến hành khảo sát nhu cầu thanh niên trên địa bàn. Qua đó cho thấy, nhu cầu của thanh niên về đào tạo, tập huấn ở các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, kiến thức về tổ hợp tác, HTX rất lớn.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện, BTV Huyện đoàn Quế Phong đã phối hợp Liên minh HTX tỉnh tổ chức 20 lớp tập huấn cho gần 400 thanh niên về kỹ thuật trồng chanh leo, trồng dưa rẫy, rễ hương, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý kinh tế và năng lực phát triển kinh tế thị trường cho thanh niên.

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Dự án, từ việc chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp tự nhiên nên hiệu quả năng suất thấp, đến nay, thanh niên và một bộ phận người dân đã nhận thức sâu sắc vai trò của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Kết quả nổi bật nhất trong triển khai thực hiện Dự án là đã hình thành các mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo nên hướng đi mới, sản phẩm mới, chất lượng đảm bảo trong sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.

Khó khăn lớn nhất của việc triển khai Dự án đó là Dự án chỉ hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật trong sản xuất mà không hỗ trợ tiền vốn hay cây trồng vật nuôi.

Để khắc phục khó khăn này, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND huyện Quế Phong, BTV Huyện đoàn đề nghị huyện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế được triển khai trên địa bàn, từ đó bố trí kinh phí xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên sau khi được đào tạo, tập huấn.

Thông qua tổ chức đoàn, hơn 1.900 ĐVTN được ngân hàng chính sách cho vay với tổng số tiền 37 tỉ đồng để lấy vốn sản xuất. Ngoài ra còn có các nguồn quỹ từ phong trào thanh niên lập nghiệp của Tỉnh đoàn và Huyện đoàn Quế Phong.

Đến nay, sau 3 năm triển khai Dự án, đã có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, toàn huyện có trên 130 điển hình thanh niên phát triển kinh tế.

Cụ thể, có 30 thanh niên tham gia mô hình trồng nấm, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động; 50 hộ thanh niên tham gia trồng chanh leo với diện tích 55 ha, tạo việc làm ổn định cho 200 người, thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra còn có các mô hình rau sạch, nuôi trồng thủy sản…

Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số” đến nay đã khẳng định được vai trò và hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh niên nói riêng và đồng bào DTTS nói chung, với phương thức trao “cần câu” cho người dân để chủ động trong việc sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế lâu dài.

Trước những kết quả khả quan khi triển khai thí điểm ở huyện Quế Phong, trong thời gian tới, cần nhân rộng mô hình ra các huyện miền Tây Nghệ An nói riêng và các huyện trên cả nước nói chung.

Phương Thủy

Các tin khác