Kinh tế xã hội

Xử lý nghiêm việc sử dụng hàn the trong thực phẩm

16:40, 12/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-ATVSTP đang là vấn đề “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm, vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng xã hội. Hiện nay, thực trạng mất ATVSTP đã đến mức đáng báo động. Trên thực tế, tỉ lệ người dân mắc bệnh ung thư ngày càng cao. Một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do nhiễm độc: Nhiễm độc nguồn nước, không khí và nhiễm độc thức ăn, trong đó hàn the là tác nhân chính.

Hệ lụy của việc sử dụng hàn the trong thực phẩm

Hàn the là chất bị Bộ Y tế cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. Loại chất này được sử dụng để làm bánh mướt, giò chả, nem chua, bún, phở với mục đích tạo tính dai, giòn, độ ngon và làm cho thực phẩm lâu hỏng.

Lấy mẫu xét nghiệm hàn the tại một cơ sở bán giò chả
Lấy mẫu xét nghiệm hàn the tại một cơ sở bán giò chả

Hàn the còn giúp bảo quản cá, tôm, thịt tươi lâu. Tên hóa dược của hàn the là Borax. Borax được sử dụng trong các loại chất tẩy rửa, xà phòng, chất khử trùng và thuốc trừ sâu, dùng làm men thủy tinh, men gốm và làm cứng đồ gốm sứ. Thế nhưng, hiện nay, hàn the lại đang được sử dụng rộng rãi trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Ngày 15/4/2016, Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP Vinh đã phát hiện, thu giữ lô hàng với số lượng lớn bột tẩy trắng, bột vàng ô và hàn the, gồm: 222 kg bột tẩy trắng, 75 kg bột vàng ô, 15 kg hàn the.

Chiều 11/5, trong quá trình kiểm tra hàng hóa tại đại lý Yên Miễn chuyên kinh doanh hàng khô, gia vị, nông sản trước cổng Bến xe chợ Vinh, lực lượng chức năng đã phát hiện 114 kg hàn the không có nhãn mác và giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Bác sĩ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, loại chất này sẽ đào thải qua nước tiểu 81%, qua mồ hôi 3%, số còn lại tích luỹ trong cơ thể, tập trung ở mô mỡ, mô thần kinh, gây tác hại rất lớn đối với sức khoẻ như: Gây thoái hóa tế bào gan, ung thư, thoái hoá cơ quan sinh dục, teo tinh hoàn. Đối với phụ nữ có thai có sử dụng thực phẩm chứa hàn the, loại chất này còn được đào thải qua sữa và nhau thai, gây nhiễm độc thai nhi.

Ngoài gây độc, hàn the còn cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng, gây nên hiện tượng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi và suy dinh dưỡng. Hàn the cũng gây ức chế quá trình hoạt động của men tiêu hoá, làm trơ các lớp xốp trên bề mặt dạ dày và màng ruột. Nếu sử dụng thực phẩm có chứa hàn the lâu ngày, tác hại sẽ tăng dần, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đặc biệt là đối với trẻ em”.

Hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính chỉ với 15 gram và tỉ lệ tử vong do ngộ độc cấp tính khoảng 50%.

Tăng mức xử phạt

Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, “An toàn thực phẩm” là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Những hành vi bị cấm bao gồm hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép, sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Cũng theo Điều 6 Luật này, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trong đó có hành vi sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm.

Theo đó, đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng, bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Bộ luật Hình sự 2015 đã thay đổi quy định về tội vi phạm quy định về ATVSTP.

Theo Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015, nếu người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc có thể phạt tù từ 1 - 5 năm mà không cần phải gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, nếu người nào sử dụng hàn the trong chế biến, bảo quản thực phẩm, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015. Đây là chế tài nghiêm khắc nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo quyền con người.

Mai Trang

Các tin khác