Kinh tế xã hội

Phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng

08:07, 03/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mô hình du lịch cộng đồng vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản văn hóa. Trong tương lai, đây sẽ là loại hình du lịch thu hút một lượng lớn du khách. Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, thời gian gần đây, Nghệ An đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc liên quan đến loại hình này.

Tiềm năng đa dạng

Năm 2015, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt 3,67 triệu người. Tuy nhiên, du khách đến tham quan tại các khu du lịch cộng đồng vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Thác Khe Kèm, một trong những điểm nhấn du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông
Thác Khe Kèm, một trong những điểm nhấn du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông

Nghệ An được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, với 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng núi, có nhiều hang động, thác nước kỳ vĩ, Vườn quốc gia Pù Mát được Liên Hợp quốc công nhận là một trong 6 vùng lớn nhất thế giới có rừng nguyên sinh và nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống.

Nghệ An còn là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, cái nôi của các phong trào yêu nước, quê hương của những danh nhân văn hóa như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu… Tỉnh hiện có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và các lễ hội.

Đặc biệt, phía Tây Nghệ An có nhiều danh thắng mang nét đẹp kỳ vĩ của tự nhiên như: Thác Khe Kèm, Khe Rạn (Con Cuông), thác Sao Va (Quế Phong), cùng với các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như các lễ hội Hang Bua, đền Chín Gian, Lồng Tồng (xuống đồng)…

Tháng 6/2011, Vườn quốc gia Pù Mát đã ký Thỏa thuận đối tác thực hiện giữa Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) Việt Nam và Ban quản lý Vườn quốc gia Pù Mát về vai trò và nhiệm vụ của đối tác thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn, huyện Con Cuông”, với mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Mô hình du lịch này đã và đang thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan.

Theo đó, du khách tới đây sẽ được tham quan Vườn quốc gia Pù Mát, đắm mình dưới dòng chảy của thác Khe Kèm, Khe Rạn; có thể ngủ qua đêm ở nhà sàn, được ăn những món ăn mang đậm chất địa phương do dân bản tự tay chế biến, xem biểu diễn văn nghệ với các tiết mục truyền thống của dân tộc Thái.

Phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông hiện có hơn 60 hộ tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, các hộ này được hỗ trợ trong việc cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, khôi phục các nghề thủ công truyền thống...

Cần phát triển tương xứng với tiềm năng

Với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa bản địa đặc sắc, bản Hoa Tiến - bản Thái gốc của huyện Quỳ Châu hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của du khách, UBND huyện Quỳ Châu đã phân công nhiệm vụ cho từng gia đình trong việc giữ vệ sinh làng bản, trang bị những đồ dùng cần thiết trong quá trình ăn nghỉ của du khách mang đậm văn hóa truyền thống của bản Thái cổ. Hiện nay, bản Hoa Tiến vẫn còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Năm 2009, bản được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm. Vì thế, hiện nay, cùng với việc tổ chức lễ hội Hang Bua, việc quảng bá nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quảng bá nét đẹp truyền thống của bản Hoa Tiến nói riêng và huyện Quỳ Châu nói chung.

Mới đây, Tổ chức JICA - Dự án đa hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp (Nhật Bản) đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An tiến hành chuyến khảo sát tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở một số huyện như Nam Đàn, Con Cuông…; qua đó, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch lâu dài cho các địa phương nhằm phát huy tiềm năng của các di sản văn hóa. Trong tương lai, du lịch cộng đồng sẽ là hình thức du lịch được đông đảo du khách đón nhận.

Từ đầu năm 2016 đến nay, quần thể du lịch sinh thái ở huyện Con Cuông, bao gồm chuỗi hoạt động: Tắm ở khe nước Mọc, khe Kèm, du thuyền sông Giăng, tham quan rừng nguyên sinh Pù Mát... đã thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, vào những ngày đầu mùa hè, ngoài các bãi biển thì các thác nước, hang động là nơi được đông đảo du khách tìm đến để nghỉ dưỡng. Bởi khi đến đây, họ được khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ của thiên nhiên; được thưởng thức những món đặc sản của núi rừng và điệu múa đặc trung của đồng bào các dân tộc.

Trong những năm gần đây, vào dịp hoa hướng dương nở, hàng vạn lượt du khách đã tìm về huyện Nghĩa Đàn tham quan cánh đồng hoa. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, đồng thời để tạo động lực phát triển kinh tế cho huyện Nghĩa Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung, vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đưa ra dự thảo và kế hoạch tổ chức ngày hội hoa hướng dương tại Nghĩa Đàn.

Tuy nhiên, để thực sự tạo được sức hút lớn, các địa phương cần có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra các tour du lịch hấp dẫn. Trong đó, có thể tạo thành các tour tham quan theo tuyến đường như tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh, đường 46 lên Cửa khẩu Thanh Thủy và Vườn quốc gia Pù Mát, tuyến du lịch theo Quốc lộ 7 lên Cửa khẩu Nậm Cắn để sang Lào, tuyến du lịch đường 48 lên các huyện Quỳ Châu, Quế Phong.

Nếu phát triển theo lộ trình này, du lịch cộng đồng sẽ là điểm nhấn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài tỉnh, cũng như bạn bè quốc tế khi chọn Nghệ An làm điểm đến trong kỳ vui chơi, nghỉ dưỡng.

Phương Thủy

Các tin khác