Kinh tế xã hội
Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
(Congannghean.vn)-Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện là vấn đề “nóng”, được xã hội đặc biệt quan tâm. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, trong thời gian qua, Công an TP Hà Tĩnh đã tập trung lực lượng tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ nhiều hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tình trạng mua bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP diễn biến phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Công an TP Hà Tĩnh kiểm tra các sản phẩm bày bán ở các cửa hàng tại chợ đầu mối Hà Tĩnh |
Trên thực tế, các vi phạm liên quan đến vấn nạn trên bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý có xu hướng tăng cả về số vụ và mức độ vi phạm. Thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 với chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” nhằm mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cấp quản lý cũng như ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong vấn đề đảm bảo VSATTP.
Đại úy Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Trong thời gian qua, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Môi trường phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh mạnh với hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP trên địa bàn TP Hà Tĩnh.
Theo đó, ngày 23/5, Công an TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an phường Nam Hà, Ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh, gồm các cửa hàng tạp hóa: Thành Sinh, Bèo Dương và Vân Bính tại khu vực đình chợ TP Hà Tĩnh.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn hàng hóa không đảm bảo chất lượng, gồm: Sữa hộp, bánh kẹo, bim bim, nước giải khát đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo VSATTP, trong đó có nhiều mặt hàng đã quá hạn sử dụng một thời gian dài nhưng vẫn được bày bán.
Theo đó, các chủ cửa hàng đã tìm cách tẩy xóa hạn sử dụng để qua mắt người tiêu dùng và tuồn hàng ra thị trường để tiêu thụ. Các cửa hàng này không chỉ bán lẻ mà còn là chủ đại lý bán buôn, chuyên phân phối hàng cho các quán cafe, nước giải khát, các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố và các địa bàn phụ cận.
Không chỉ tập trung lực lượng đấu tranh mạnh với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Môi trường Công an TP Hà Tĩnh đã chủ động nắm chắc tình hình, đẩy mạnh đấu tranh với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực VSATTP như một số bất cập trong công tác giết mổ, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu thống kê của Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế và Môi trường Công an TP Hà Tĩnh, sau một tháng ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 11 vụ giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo VSATTP và không có dấu kiểm dịch, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Được biết, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán thực phẩm đều đã có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn nhập nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc; đồng thời xuất hiện một số điểm mua bán thực phẩm hoạt động tự phát, không đảm bảo các quy định về VSATTP như: Khu vực giết mổ chưa được vệ sinh sạch sẽ ngay sau khi giết mổ, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm...
Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình; đặc biệt là cần chung tay, phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm về VSATTP.
Văn Hùng