CCHC

Sắp xếp đơn vị hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả

07:48, 23/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay. Mục tiêu chính là xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện, các cấp ở Nghệ An đang tập trung triển khai quyết liệt theo đề án, quyết định, thông tư liên quan.

Mục tiêu của Đề án sáp nhập là xây dựng đội ngũ công chức, viên chức phục vụ nhân dân tốt hơn (Trong ảnh: Cán bộ chính quyền xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên trao đổi với người dân về xây dựng nông thôn mới)
Mục tiêu của Đề án sáp nhập là xây dựng đội ngũ công chức, viên chức phục vụ nhân dân tốt hơn (Trong ảnh: Cán bộ chính quyền xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên trao đổi với người dân về xây dựng nông thôn mới)

Trên thực tế, trong điều kiện thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng là giải pháp đảm bảo sự tương thích trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Việc sắp xếp này cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt hơn. Bởi nếu không sắp xếp lại mà vẫn để các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định sẽ gây lãng phí nguồn lực từ ngân sách, không giảm được biên chế. Đặc biệt sau khi sáp nhập, với lượng công chức phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã. Việc này cũng giúp thực hiện tốt Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Để triển khai tốt vấn đề này, trách nhiệm các cấp ủy Đảng và địa phương rất lớn, đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng trong đánh giá, phân loại cán bộ công chức để thực hiện tốt mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này. Ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức vào các đơn vị hành chính mới theo đề án, cũng cần thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế đối với số cán bộ dôi dư. Việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải dựa trên nguyên tắc cốt lõi là đảm bảo theo hướng tinh gọn, hợp lý, không làm tăng thêm đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi tiến hành sắp xếp.

Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 480 đơn vị hành chính cấp xã. Theo quy định, Nghệ An có 3 đơn vị hành chính cấp huyện đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích quy mô và dân số gồm Quỳ Hợp, Thanh Chương và Yên Thành. 14 huyện, TP Vinh và 3 thị xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.  Về cấp xã có 430 đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định (387 xã và 26 phường, 17 thị trấn). 18 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã, 3 thị trấn) chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Theo quy định, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sau đây gọi là Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13).

Theo mục tiêu đặt ra, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi đảm bảo yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận. Từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Hiện nay, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang tiếp tục rà soát lại quy mô số hộ ở các xóm sau khi Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành để xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập khối, xóm, thôn, bản. Ghi nhận chung tại các địa phương, việc triển khai sáp nhập khối, xóm cơ bản thuận lợi, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận cao; bởi thực tiễn hiện nay có nhiều khối, xóm, bản có quy mô quá nhỏ, chỉ có trên dưới 100 hộ dân, thậm chí dưới 50 hộ dân; trong khi đó vẫn hình thành bộ khung những người hoạt động không chuyên trách với 9 - 11 chức danh, tạo gánh nặng ngân sách trong việc chi trả phụ cấp; chi hoạt động cho bộ máy và kể cả chi đầu tư xây dựng các thiết chế sinh hoạt cộng đồng nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ: Hiện, các địa phương tại Nghệ An đang tập trung triển khai theo đề án. Riêng về sáp nhập xóm, một số huyện đã lấy ý kiến cử tri, trình HĐND xã, phường, thị trấn. Các cấp chính quyền đang  nỗ lực đạt mốc thời gian đã đặt ra.

Tuệ Trang

Các tin khác