CCHC
Tín hiệu vui với 'Năm cải cách hành chính'
(Congannghean.vn)-Với nhiều kết quả nổi bật được công bố từ đầu năm đến nay, Nghệ An đang thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Nghệ An triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp |
Theo thống kê, hiện nay có một loạt các chỉ số đánh giá, xếp hạng một số mặt đối với hoạt động của bộ máy chính quyền như: Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính)… với mục tiêu phục vụ cho quá trình hoạch định và thực thi chính sách, đáp ứng nhu cầu phát triển. Mục đích chính của các bộ chỉ số này là hướng tới sự khách quan, minh bạch và đặc biệt là đánh giá đúng về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính.
Mới đây, chỉ số PAPI vừa được công bố, trong đó, Nghệ An có số điểm xếp thứ 4 toàn quốc, kết quả của sự nỗ lực của địa phương trong cải cách thủ tục hành chính. Từ năm 2018, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) bao gồm 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ hơn 6.000 biến số cấu thành các chỉ tiêu, hình thành từ hơn 550 câu hỏi trong bộ phiếu hỏi PAPI. Năm 2018, 14.304 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
Nhiều năm qua, nhất là trong năm 2018, Nghệ An đã có nhiều đổi mới trong cải cách hành chính, đặc biệt coi trọng kỷ cương, kỷ luật hành chính, đảm bảo tập trung, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch các nội dung theo Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực thi một số chính sách và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ tham gia của người dân vào quy trình chính sách đã được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong từng vấn đề chung của địa phương. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên. Cùng với đó, cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Các dịch vụ công đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, lề lối làm việc đã được chấn chỉnh và từng bước đi vào nề nếp.
Điều này cũng được PAPI đánh giá chung trong các tỉnh. Người dân đã hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/phường. Tuy nhiên, trong các chỉ số cụ thể PAPI của Nghệ An năm 2018, vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục. Chỉ số quản trị điện tử (3,7/10 điểm); quản trị môi trường (4,48/10 điểm)...
Báo cáo cũng cho thấy, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47.05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính.
Trước đó, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố báo cáo thường niên Chỉ số PCI năm 2018. Theo đó, tỉnh Nghệ An xếp thứ 19, tăng 2 bậc so với năm 2017 (từ 63,52 điểm năm 2017 lên 84,08 năm 2018). Các địa phương khác trong khu vực: Thanh Hóa xếp thứ 25, Hà Tĩnh xếp thứ 23, Thừa - Thiên Huế xếp thứ 30, Quảng Trị 53, Quảng Bình 54. Với kết quả này, tỉnh Nghệ An được xếp đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Những kết quả này chứng tỏ sự nỗ lực của Nghệ An suốt thời gian qua trong phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Cần phải khẳng định rằng, cải cách hành chính trước hết là cải cách quy trình thủ tục sao cho mọi việc minh bạch; người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng, kỹ lưỡng để lường hết mọi tình huống, biết phải làm gì, đi tới đâu, gặp ai, tiến hành những công đoạn nào... Những đánh giá của các chỉ số là một góc nhìn khá toàn diện, tạo cơ sở để chính quyền nhận ra những ưu điểm, tồn tại, từ đó, có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới, thực hiện hiệu quả “Năm cải cách hành chính 2019”.
Mai Hậu