Văn hóa - Giáo dục
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
08:50, 03/08/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang là một xu hướng trải nghiệm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Có thể thấy rằng, đây là một trong những hướng đi đúng đắn của các địa phương, bởi nó không những bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương...
Đến với bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu dân ca Thái |
Được biết, xã Tiên Kỳ là một trong những địa phương được huyện chọn để thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng. Nơi đây còn lưu giữ nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống như những ngôi nhà sàn cổ, điệu múa...; đặc biệt là có lễ hội Bươn Xao truyền thống gắn với những di tích về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi chống giặc Minh ở thế kỷ XV, cùng với đó có văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Để phát triển du lịch cộng đồng, Tiên Kỳ đã chọn ra những hộ gia đình có nhà sàn đủ điều kiện để xây dựng bổ sung các hạng mục liên quan đến đón khách du lịch; hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia vào hoạt động du lịch gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, trang bị những kỹ năng trong nấu ăn...
Được huyện Con Cuông chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng đến nay vừa tròn 5 năm, bản Khe Rạn, xã Bồng Khê đang là một điểm đến lý tưởng và hấp dẫn của nhiều du khách. Đến với bản Khe Rạn, chúng ta được tìm hiểu các phong tục, tập quán, nghi lễ của địa phương. Ngoài những món ăn truyền thống theo ẩm thực của người Thái, du khách còn được thưởng thức các làn điệu dân ca do chính CLB hát dân ca, dân nhạc, dân vũ của bản làng này.
Con Cuông là huyện đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Nghệ An. Ngoài bản Khe Rạn còn có bản Nưa, bản Pha (xã Yên Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) được chọn làm điểm du lịch cộng đồng. Thực tế cho thấy, Nghệ An là tỉnh có bề dày văn hóa truyền thống, đó là di sản truyền đời trong cộng đồng và giờ đây trở thành nguồn vốn quý để làm du lịch... Hiện nay, du khách rất ưa chuộng hình thức trải nghiệm du lịch cộng đồng. Theo Sở Du lịch Nghệ An, dự báo giai đoạn 2020 - 2025, đối với loại hình du lịch cộng đồng, lượng khách và doanh thu tăng 10 - 12%/năm. Hiện, mỗi năm Nghệ An mới chỉ đón được khoảng 20.000 lượt khách, doanh thu trên 4 tỉ đồng.
Mặc dù đã làm tốt quảng bá hình ảnh du lịch cũng như để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng, thế nhưng, hiện nay, qua khảo sát, tại các điểm du lịch, sản phẩm còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, cơ sở hạ tầng phục vụ vẫn còn hạn chế, bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tại các địa phương đã có những giải pháp. Theo đó, tại huyện Tân Kỳ, từ năm 2016 - 2019, huyện đã đầu tư trên 5,7 tỉ đồng để làm đường bê tông tại các bản có thể phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ mở lớp tập huấn các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, tổ chức tham quan học tập tại các địa phương ngoài tỉnh để từ đó vận dụng vào địa phương mình với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Thông qua quảng bá hình ảnh điểm du lịch cộng đồng, huyện Con Cuông được các dự án nước ngoài đầu tư. Trong đó, phải kể đến dự án JICA Nhật Bản, Dự án VIE-028. Với sự hỗ trợ của các dự án, chị em tại các điểm du lịch được sang Nhật học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, hỗ trợ tập huấn nấu ăn, các mô hình du lịch được chọn làm mẫu để giới thiệu quảng bá tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, với nguồn vốn lồng ghép, huyện còn đầu tư cơ sở hạ tầng thôn, bản ngày một tốt hơn.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm phát triển hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng. Trong đó đang nghiên cứu sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.
Phan Tuyết