Văn hóa - Giáo dục

Nơi hội tụ tình cảm của người dân đất Việt

09:25, 30/08/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam.
 
Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Hơn 4 thập kỷ qua (29/8/1975 – 29/8/2020).
 
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
 
Những ngày đầu xây dựng
 
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao đó được giao cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan truyền rất nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin. Một đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động. Từ tháng 5 đến tháng 8-1970, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Hội đồng sơ tuyển đã chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để triển lãm lấy ý kiến nhân dân từ tháng 9 đến tháng 11-1970 tại 5 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La.
 
Từ ý kiến đóng góp của nhân dân, bản “Thiết kế sơ bộ” về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn chỉnh. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 9-2-1971, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.
 
Ngày 2-9-1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ, tinh thần tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Cả nước hướng về công trình xây dựng Lăng, như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương muốn dành những gì ưu tú nhất của quê hương để được dâng lên Người: Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã sản xuất hàng vạn tấn xi măng có chất lượng tốt nhất, trên mỗi bao bì đều in đậm dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã vượt bao khó khăn gian khổ của chiến tranh ác liệt, đi hàng ngàn cây số để đưa nhiều vật liệu quý từ Nam Bộ, Tây Nguyên về xây dựng Lăng...
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Vươn lên làm chủ khoa học, giữ gìn an toàn, lâu dài thi hài Bác
 
Ngày 29-8-1975, sau 2 năm xây dựng với sự đồng tâm, đồng lòng của toàn dân tộc, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Đón Bác về Lăng, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới. Thi hài Bác được bảo vệ và giữ gìn trong một khu vực rộng, hàng ngày có hàng nghìn lượt người đến viếng Bác. Đồng thời, phải tổ chức lực lượng quản lý, vận hành các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác y tế đặc biệt, bảo đảm an ninh khu vực, tổ chức gác tiêu binh danh dự và đón tiếp khách đến viếng Bác.
 
Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ của Đảng, từ năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế, một mặt ta tích cực làm việc với các chuyên gia, đàm phán với bạn bàn giao cho ta quản lý số dung dịch hiện có tại Lăng, đồng thời tăng cường giữ gìn mối quan hệ trực tiếp với các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Moscow từng bước nghiên cứu chuyển đổi cơ chế từ viện trợ không hoàn lại sang cơ chế thương mại song phương. Mặt khác, đơn vị chủ động phát huy nội lực và hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội nghiên cứu sâu các lĩnh vực y học, sinh hóa, vi sinh vật, môi trường, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chính trị.
 
Từ tháng 4-1995, không còn các chuyên gia y tế Liên bang Nga làm thuốc thường xuyên, nhưng khó khăn này cũng chính là thời cơ để các y sĩ, bác sỹ trong đơn vị vươn lên làm chủ khoa học giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Đặc biệt năm 2004, sau nhiều năm đàm phán, chuẩn bị mọi mặt, phía bạn đã đồng ý chuyển giao công nghệ và phối hợp pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam. Từ quý I/2004 đến nay, Viện 69 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã 17 lần pha chế thành công dung dịch tại Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu kết quả to lớn của giai đoạn từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn an toàn, lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Phục vụ gần 60 triệu lượt người đến viếng Bác
 
Bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ trong tình hình mới được các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đặc biệt quan tâm. Từ ngày 19-5-2001, đơn vị đã thực hiện trang nghiêm nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi mở cửa Lăng vào ngày 29-8-1975 đến ngày 29-7-2020, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 60 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức đón tiếp hơn 1.000 Đoàn người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác…
 
Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, 45 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm tuyển chọn chặt chẽ, kỹ lưỡng, toàn diện cả về quân dung, hình thể, lý lịch chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa; được tổ chức huấn luyện, rèn luyện công phu, nghiêm ngặt về điều lệnh, nghi lễ, sức chịu đựng dẻo dai theo quy trình khoa học, hợp lý, hình thành nên những chiến sĩ tiêu binh trong đội hình danh dự với một yêu cầu tiêu chuẩn “đúng, đều, mạnh, đẹp, trang nghiêm”.
 
Được canh giấc ngủ cho Người, mỗi cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhận thức rõ, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào, vinh dự lớn lao. Chị Hoàng Thị Xuân, nhân viên đón tiếp, cơ quan văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho biết: “Được gần Bác, phục vụ khách đến viếng Bác mỗi ngày là một vinh dự tuyệt vời không phải ai cũng có được. Tất cả xuất phát từ niềm kính yêu đối với Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ được làm việc, công tác tại đơn vị đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
 
Phát huy truyền thống “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo”, bước vào giai đoạn mới, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó, để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nơi tôn nghiêm nhất, không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nguồn: CAND

Các tin khác