Văn hóa - Giáo dục

Mãi tự hào về mùa thu Cách mạng tháng Tám

07:55, 18/08/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian đã lùi xa, nhưng dấu ấn về những ngày quật khởi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn không phai mờ trong mỗi người dân đất Việt. Mùa thu năm ấy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khắp các ngả đường rực đỏ sắc cờ mừng ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh của dân tộc
Khắp các ngả đường rực đỏ sắc cờ mừng ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh của dân tộc
Nhìn lại những năm tháng lịch sử huy hoàng để thấy được giá trị, tầm vóc và sức sống mãnh liệt của Cách mạng tháng Tám. Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo lời kêu gọi của Người: “Giờ định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, muôn người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân, trong đó khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19/8 là một dấu mốc ngời sáng nhất của Cách mạng tháng Tám. 
 
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là ngày Quốc khánh của nước ta.
 
Khái quát đầy đủ ý nghĩa lịch sử thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
 
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
 
Cách mạng tháng Tám thành công là kết quả của nhiều yếu tố. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của đất nước một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt, nhận thức được thời cơ, chủ động, kiên quyết chớp lấy thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Để làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh; là kết quả của 15 năm từng bước xây dựng lực lượng, hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược, nắm bắt thời cơ tiến hành cách mạng thông qua 3 cao trào cách mạng lớn (1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945).
 
75 năm qua, Cách mạng Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, bước ngoặt với những thử thách, cam go; thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen;  nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhân dân chung sức đồng lòng, chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.  
 
Hôm nay đây, được sống trong hào khí của những ngày Cách mạng tháng Tám, mỗi người dân lại bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào. Ôn lại những năm tháng lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, thế hệ hôm nay lại càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 75 năm qua.
 
Những ngày này, trên khắp các ngả đường đều rợp bóng cờ hoa. Tại Nghệ An, các địa phương trong toàn tỉnh hướng về ngày lễ trọng đại của đất nước với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Phát động nhân dân treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, gặp mặt giao lưu với nhân chứng lịch sử, người có công với cách mạng, với Đảng, Nhà nước; các hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”... nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, những thương, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu để có được hòa bình hôm nay. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc cho thế hệ hôm nay; đồng thời củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Phan Tuyết

Các tin khác