Văn hóa - Giáo dục
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và chuyện tự kiểm điểm trước Bộ Chính trị
Trước yêu cầu của Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư đều tự giải trình, kiểm điểm. Từ sự gương mẫu ấy, “gội từ trên đầu gội xuống” thực sự trở thành nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng.
Tự nhận là “người học trò nhỏ của Bác Hồ”, trọn cuộc đời hoạt động, từ khi là một người lính đến lúc trở thành Tổng Bí thư của Đảng, ông Lê Khả Phiêu đã luôn tận tâm, tận lực kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến giặc nội xâm, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giữ vững bản chất cách mạng của Đảng.
Tắm từ đầu tắm xuống
Với nhãn quan chính trị sắc bén, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã sớm nhìn thấy rõ những nguy cơ của Đảng cầm quyền trong thời kỳ mới, mà “nguy cơ lớn nhất là nguy cơ suy thoái về chính trị, suy thoái về đạo đức”.
Bởi vậy, với tinh thần quyết liệt, triệt để, dám nghĩ, dám làm, 15 tháng sau khi giữ cương vị Tổng Bí thư, ông Lê Khả Phiêu đã chủ trì xây dựng để Trung ương thông qua, ban hành Nghị quyết "Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay" (thường được gọi là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2).
Sau chiến tranh, lần đầu tiên một nghị quyết của Đảng thẳng thắn chỉ ra thực trạng: "Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn".
Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp bách “Đảng phải có biện pháp phát huy ưu điểm, kiên quyết sửa chữa các khuyết điểm, tiếp tục củng cố, chỉnh đốn, để ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ”.
Nghị quyết nêu ra 10 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có những vấn đề được xem là khâu trọng tâm, đột phá trong công tác xây dựng Đảng.
Đó là đẩy mạnh công tác tổng kết thực hiện và nghiên cứu lý luận làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Tǎng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả; Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng…
Với những nội dung quan trọng này, Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII đã mở đầu cho một giai đoạn mới trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện bắt đầu đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để triển khai Nghị quyết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng Bộ Chính trị khi đó chủ trương xây dựng, củng cố các nề nếp của Đảng, giữ vững nguyên tắc sinh hoạt Đảng, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc công tác phê, tự phê và phát huy dân chủ trong Đảng.
Nguyên Tổng Bí thư yêu cầu từ cơ sở Đảng, việc sinh hoạt cần đi vào thực chất, chứ không phải hình thức, phải bàn bạc thấu đáo những nội dung về lãnh đạo, xây dựng tổ chức cơ sở. Đồng thời, cần tiến hành chấn chỉnh đảng viên từ trên xuống dưới, chấn chỉnh về tư tưởng chính trị và lối sống, đạo đức.
Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, với tinh thần tiên phong của một người cộng sản chân chính, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu ra phương châm: chấn chỉnh Đảng từ trên trở xuống, "tắm từ đầu tắm xuống" chứ không chỉ từ thắt lưng xuống.
Ông yêu cầu việc kiểm điểm phải làm trước hết trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sau đó mới đến các nơi, các Tỉnh ủy, Thành ủy và cấp dưới.
Trong Bộ Chính trị, khi kiểm điểm Tổng Bí thư chủ trì và mỗi ủy viên Bộ Chính trị phải trình bày kiểm điểm về các mặt công tác và đạo đức, trong đó kiểm điểm về lối sống, có quan liêu, lãng phí, xa dân hay không. Còn với các ủy viên trung ương Đảng, ngoài việc tự kiểm điểm bản thân, còn trả lời từng câu hỏi mà Trung ương đưa ra cho mỗi ủy viên.
Bản thân nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thực hiện nghiêm túc việc phê và tự phê với tinh thần thẳng thắn và cầu thị. Trước các yêu cầu của Bộ Chính trị, ông đều tự giải trình, kiểm điểm. Từ sự gương mẫu ấy, “gội từ trên đầu gội xuống” không còn khẩu hiệu, mà thực sự trở thành nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng.
Khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác cán bộ
Để chỉnh đốn Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chọn khâu đột phá là công tác cán bộ, đổi mới trong công tác cán bộ, từ việc bố trí, sắp xếp, đề bạt, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, các đoàn thể cho đến các địa phương.
Ông chỉ ra rằng tình trạng “bầu bán hiện nay” khó chọn được người tài; tình trạng "mua lòng nhau để kiếm phiếu" vẫn còn, lợi ích nhóm vẫn còn trong nhiều nơi, nhiều vụ việc. Vì vậy, cần đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền, không giới thiệu, đưa vào danh sách bầu cử những người không xứng đáng, đồng thời phải lắng nghe ý kiến nhân dân trong công tác cán bộ.
Một vấn đề nữa, nguyên Tổng Bí thư đã kiên quyết thực hiện là việc luân chuyển, điều động cán bộ. Đây là vấn đề từng được Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII (tháng 6/1997) đặt ra như một giải pháp nhằm “bồi dưỡng toàn diện cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức”, nhưng trên thực tế gần như chưa được thực hiện.
Trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nhiều cán bộ được luân chuyển và trưởng thành nhanh qua thực tiễn công tác, tiêu biểu như ông: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang,…
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát động và tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng. Ngay tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (hội nghị bầu ông giữ cương vị Tổng Bí thư) nguyên Tổng Bí thư phát biểu: “kiên quyết đấu tranh với các tệ quan liêu, tham nhũng đang là những trở ngại lớn làm triệt tiêu các động lực phát triển, là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ."
Với quan điểm “chống tham nhũng phải chống từ cơ quan công quyền, từ người có chức quyền”, ông chỉ đạo việc ràng buộc trách nhiệm với người đứng đầu tổ chức với kết quả cuộc phòng chống tham nhũng của tổ chức đó.
Từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), nhiều chính sách, chủ trương, biện pháp về vấn đề chống tham nhũng, về công tác cán bộ được bổ sung, ban hành, nhiều vụ việc đã được đưa ra xét xử. Tinh thần quyết liệt ấy đang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phát huy dưới chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Khởi động một cuộc chỉnh đốn Đảng quy mô lớn trong toàn Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng phải đương đầu với rất nhiều sức ép, mà sau này chính ông khi trả lời báo chí đã nói: "Thời kỳ mấy năm làm Tổng Bí thư là một giai đoạn khó khăn, thử thách nhất trong đời"
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đã tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và đặt nền tảng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
TS Lê Thị Hằng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Vietnamnet