Văn hóa - Giáo dục

Ký ức không phai một thời theo nghiệp làm báo Công an Nghệ An

09:26, 18/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mỗi dịp tháng 5 về, cùng với đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, riêng tôi lại rạo rực ký ức đan xen khó tả về “thuở ban đầu” chập chững sang làm Báo Công an Nghệ An - tờ báo vinh dự được chọn Ngày sinh nhật Bác (19/5) cho sự khai sinh của mình - Một trong 2 tờ báo của lực lượng Công an nhân dân sớm được cấp phép phát hành công khai ngoài xã hội. 
Trải qua 36 năm, từ một tờ tin nội bộ, Báo Công an Nghệ An đã phát triển mạnh mẽ, tạo được nhiều dấu ấn và nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước
Trải qua 36 năm, từ một tờ tin nội bộ, Báo Công an Nghệ An đã phát triển mạnh mẽ, tạo được nhiều dấu ấn và nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước
Hiếm có tờ báo nào ra đời (19/5/1984) nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an lúc bấy giờ như Báo Công an Nghệ An, đặc biệt đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng) kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có thư khen khi đọc những kỳ phát hành đầu tiên và giao trách nhiệm cho tờ báo phải giữ đúng tôn chỉ mục đích, tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức cho phù hợp, (nguyên văn điện mật còn được lưu giữ tại Báo). Khâm phục lớp anh chị đi trước, từ những CBCS Công an chưa một ngày làm báo, với lòng nhiệt huyết, đã khai sáng tờ báo “An ninh Nghệ Tĩnh” đa dạng, với nhiều chuyên mục hấp dẫn.
 
Sự phát triển của báo chí cả nước thập kỷ 90 của thế kỷ 20 cũng như báo chí trong ngành đã có sự phân chia khu vực. Báo Công an nhân dân là tờ báo đầu đàn của toàn lực lượng; tờ An ninh Thủ đô và Công an thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ tuyên truyền ở 2 thành phố lớn; An ninh Hải Phòng khu vực Đông Bắc; Công an Nghệ An khu vực Bắc Trung Bộ; Công an Đà Nẵng khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
 
Cơ duyên đến với nghiệp báo
 
Trước yêu cầu của Bộ, Lãnh đạo Công an tỉnh đã bổ sung lực lượng cho Báo, nhưng chỉ được tuyển chọn phóng viên là cộng tác viên trong ngành. Đối với lãnh đạo, bổ nhiệm thêm 1 Phó Tổng biên tập. Suốt 10 năm ra đời, ngoài đồng chí Tổng biên tập danh dự - cố Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh thời kỳ đầu ra báo, sau này là đồng chí Cao Đăng Nghĩa với bộ máy 7 phóng viên, 1 thư ký tòa soạn, 1 họa sĩ, 1 đánh máy; tòa soạn được bố trí 1 phòng làm việc khoảng 12 m2 ở tầng 5 (nhà Cảnh sát cũ), phát hành báo tháng (2 kỳ/tháng); phương tiện: 1 máy đánh chữ, 2 máy ảnh Zê-nhít (của Liên Xô cũ). Năm 1994, tôi nhận được quyết định bổ nhiệm về Báo, không khỏi ngỡ ngàng vì trước đó tôi đang công tác ở Phòng Chính trị, là Bí thư Chi bộ phòng, tổng hợp kiêm phụ trách Đội Công tác Đảng - Đoàn và Đội Tuyên truyền. Chúng tôi cùng ở tầng 5 cạnh nhau nên quá quen thuộc, vốn trước đây cùng một đơn vị, được tách ra nên khi cầm quyết định trên tay, tôi không tránh khỏi sự phân tâm, lo lắng. Có lẽ duyên phận đưa đẩy tôi về báo với nhiệm vụ giúp Tổng biên tập (từ 1994 - 1997) cùng tập thể Ban biên tập đã từng bước chỉnh đốn, điều chỉnh sắp xếp lại tổ chức, đề xuất Lãnh đạo Công an tỉnh cho Báo chuyển xuống tầng 1 với 3 phòng làm việc, có cổng đi riêng, bổ sung giấy phép xuất bản tăng kỳ và phát hành tuần báo (tuần 1 kỳ); mở rộng phạm vi phát hành đạt từ 5.000 - 6.000 tờ/kỳ; từng bước đưa hoạt động tờ báo vào hạch toán.
 
Đi lên hầu như từ số “0”
 
Gần cuối năm 1997, đồng chí Tổng biên tập Cao Đăng Nghĩa nghỉ hưu theo chế độ. Trong biên bản bàn giao giữa cấp ủy, Ban biên tập cho tôi rất ngắn gọn, gồm một số tài liệu liên quan đến hoạt động báo chí, trong đó rất đáng quý là tập báo lưu từ ngày xuất bản số báo đầu tiên và bức điện mật của đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng; còn lại tài sản, phương tiện hầu như không có gì. 
 
Nhận nhiệm vụ mới cao hơn chắc ai cũng vui mừng, riêng tôi trong một tâm trạng khác hẳn, đầy lo âu trăn trở. Bởi vẫn đội ngũ những phóng viên có mặt từ những ngày đầu làm nên tờ báo, không được bổ sung, thậm chí còn mai một (2 đồng chí chuyển đi công tác khác); phương tiện hoạt động nghề nghiệp lạc hậu, nên lùi hay xoay xở sao đây luôn luôn ám ảnh trong tôi.
 
Cuối năm 1997, tôi có quyết định chính thức (rất nhanh sau 1 tháng quyền). Đồng chí Giám đốc Trần Phồn gọi tôi lên. Ông giao cho tôi nhiều điều, nhưng đọng lại có 3 điều tôi không bao giờ quên. Một là duy trì hoạt động của tờ báo đúng tôn chỉ mục đích, các chuyên mục khác cũng không được sai; thứ 2, kỷ niệm 15 năm thành lập Báo phải có tấm Huân chương in trên trang nhất (cạnh măng séc); thứ 3, không được để tờ báo thua lỗ để rồi không có tiền nhuận bút trả cho cộng tác viên, nếu thua lỗ tôi giao cho Hậu cần trừ lương Báo. Mặc dù lúc ấy rất lo nhưng vẫn bình tĩnh trả lời như lời hứa với Giám đốc. Thưa anh, vấn đề thứ nhất anh giao chúng em sẽ cố gắng. Nhưng anh cũng thông cảm cho, 1 số báo 12 trang, 1 trang gần 1.000 chữ đánh máy và các công đoạn làm báo đều thủ công. Có thể sai sót tại Báo, đôi lúc sai sót từ nhà in trong khâu đánh máy và bình bản (không phải in ấn hiện đại như bây giờ). “Tai nạn” nghề nghiệp không thể nào tránh khỏi. Có sai sót về thông tin mong anh cho Báo phối hợp hoặc chuyển cho Báo giải quyết (vì ngày đó bạn đọc quan niệm Báo Công an Nghệ An là của Công an tỉnh. Báo in sai là do chỉ đạo sai, nên cứ đến Ban Giám đốc kiện. Người ta không hiểu quy định của Luật Báo chí về nhiệm vụ, chức năng của cơ quan quản lý báo chí và trách nhiệm của Tổng biên tập - người đứng đầu tờ báo, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin sai phạm); còn lại 2 điều (thứ 2 và thứ 3) trách nhiệm thuộc về Tổng biên tập, nếu không làm được em xin từ chức để Ban Giám đốc chọn người khác. Nhưng cũng mong anh cho báo 1 cơ chế mở trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp báo chí, trên lĩnh vực xuất bản và công tác cán bộ. (Anh không hỏi cụ thể nhưng cũng không phản đối. Tôi ngầm hiểu Giám đốc đã đồng ý và chờ kết quả tôi làm).
 
Hôm sau tôi cho họp cấp ủy và Ban biên tập (nói cấp ủy và Ban biên tập cho kêu nhưng chỉ có tôi, anh Việt Long, Phó Bí thư Chi bộ và Thành Trung, thư ký; bộ sậu đến cuối năm 1997 chỉ có vậy). Tôi thông báo cuộc làm việc với Giám đốc đề nghị triển khai thực hiện ngay. Về công tác cán bộ, bổ sung 1 Phó Tổng biên tập (chọn 1 trong 2 đồng chí có năng lực); tuyển một số hợp đồng từ cộng tác viên và sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học đào tạo chuyên ngành báo chí, yêu nghề báo và có năng lực, thử thách công tác với Báo trong thời hạn 6 tháng, lương do Báo trả, trích từ quỹ Báo. Có những thời điểm khi tăng kỳ lên đến 12 hợp đồng. Nhờ có đội ngũ trẻ tạo nên sự cạnh tranh giữa lớp trẻ và các anh gạo cội, đội ngũ làm báo dần được trẻ hóa. Về Huân chương Chiến công hạng Ba và hạch toán tờ báo, tôi trực tiếp chỉ đạo. Đổi mới nội dung và hình thức tờ báo cho phù hợp với báo chí hiện đại, ổn định các chuyên trang chuyên mục; đồng thời tăng cường quảng cáo (ra quy định quảng cáo cụ thể và lợi ích người làm quảng cáo), coi đó là nguồn thu chính của Báo để chi trả lương hợp đồng và cải thiện đời sống CBCS trong các dịp lễ, Tết.
 
Kỳ tích quyết tâm thực hiện lời hứa
 
Cùng với lãnh đạo, cấp ủy và tập thể CBCS, năm 1999, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Báo (19/5/1984 - 19/5/1999), Báo Công an Nghệ An đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, năm 2009, đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Năm 2000, Báo chuyển sang trụ sở mới với 2 nhà cấp 4. Năm 2007, xây dựng trụ sở 3 tầng (hiện nay); đội ngũ làm báo ngày càng được bổ sung mang tính chuyên nghiệp, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ làm báo được trang bị từng bước đáp ứng nhu cầu làm báo; các công đoạn làm báo theo quy trình khép kín và hiện đại. Năm 2005, tăng kỳ xuất bản tuần báo lên 3 kỳ; không có sai sót về chính trị. Đầu năm 2008, mở thêm trang thông tin điện tử (nay là Báo điện tử). Hạch toán tờ báo đã có lãi, tài chính luôn minh bạch, hậu cần đời sống của cán bộ, nhân viên từng bước được cải thiện. Đặc biệt, thương hiệu tờ Báo Công an Nghệ An đã tạo dấu ấn trong bạn đọc ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và trong làng báo chí cả nước cũng như báo chí Công an nhân dân và tỉnh nhà.
 
Đôi điều trăn trở
 
Trong suốt chặng đường 36 năm ra đời, trụ vững và từng bước trưởng thành, tờ báo chúng ta luôn đứng trước những thăng trầm, khó khăn và thách thức lớn, không những điểm xuất phát thấp mà còn chịu nhiều tác động khách quan về quy hoạch báo chí. Ra đời được hơn 10 năm, thì từ năm 1995 đến 2005 đã lình xình về sự tồn tại hay không tồn tại của một số tờ báo địa phương trong và ngoài ngành, từ ý kiến của Bộ Văn hóa (lúc bấy giờ Bộ Văn hóa được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí, nay chia tách, do Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý).
 
Trong suốt 10 năm không ổn định, mãi đến đầu năm 2006, Bộ Công an mới có quyết định ban hành chính thức về hệ thống - Báo chí trong lực lượng Công an nhân dân gồm 6 tờ báo và 13 tạp chí. Lúc này các báo địa phương trong ngành mới yên tâm đầu tư phát triển. Đến nay, sau gần 15 năm, vấn đề sắp xếp quy hoạch lại được đặt lên bàn cân, trong đó có Báo Công an Nghệ An. Trong thời điểm “nhạy cảm” này gây tác động không nhỏ về mặt tâm lý, tư tưởng của cán bộ phóng viên, hợp đồng lao động trong đơn vị. Hơn lúc nào hết, cấp ủy, chỉ huy phải thực sự đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm và phải rất năng động để trong “cái khó ló cái khôn”, biến “nguy” thành “cơ”, tạo chỗ dựa niềm tin cho toàn đơn vị; tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên cán bộ phóng viên nêu cao bản lĩnh chính trị của người làm báo, tiếp tục cống hiến, xây dựng tờ báo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó.
 
Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày thành  lập Báo Công an Nghệ An, những ký ức cơ duyên đến với Báo trong suốt 20 năm cuối của cuộc đời binh nghiệp lại tái hiện về. Ký ức của riêng tôi nhưng một phần rất thực của tờ báo mà 20 năm (từ năm 1994 - 2014) tôi gắn bó, xin được sẻ chia, trao đổi cùng đồng nghiệp các thế hệ Báo Công an Nghệ An. Xin kính chúc anh, chị em mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc cho tờ báo vượt qua hiểm nguy, an khang, thọ trường.         
Nguyễn Thanh (Nguyên Tổng biên tập Báo Công an Nghệ An)

Các tin khác