Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Người hội tụ cao đẹp nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây.
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Người là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Người cũng là nguồn cảm hứng chưa bao giờ ngưng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, gắn bó mật thiết với nhân dân lao động. Quê hương Người, suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, luôn là đất phên dậu, là “thành đồng ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”(2). Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Bác.
Sau này, vượt trùng khơi tìm đường cứu nước, được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng của dân tộc, của quê hương lên tầm cao mới: chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân bản sâu sắc; giải phóng dân tộc đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; cách mạng dân tộc, dân chủ phải phát triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; sức mạnh dân tộc phải gắn liền với sức mạnh thời đại; Người đặc biệt trọng dân, coi trọng nhân dân “là gốc”, “là người chủ” của cách mạng, của đất nước, là nguồn sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng yêu nước thương dân, yêu thương, quý trọng con người; chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; đạo đức trong sáng, cao cả, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; phong cách bình dị, gần gũi, khiêm tốn, lão thực... Tất cả những điều ấy là di sản tinh thần quý giá mà Người để lại cho đất nước, cho nhân dân và cho cả nhân loại.
Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong tên mới Văn Ba xuống tàu biển sang phương Tây, như sau này Người kể lại: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”(3). Ở Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (tức Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đương nhiên là người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920).
Năm 1922, Người sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Hơn 10 năm ở trời Tây, vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ một sự thật đầy đau xót, uất hận: Chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở các thuộc địa và ở ngay chính quốc. Người nói: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ Ba".
Qua hoạt động yêu nước, tìm đường đi cho dân tộc, Người hiểu rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4). Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người bắt gặp và tiếp thu Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin. Sự kiện này không hề là một sự ngẫu nhiên hay may mắn. Đó là một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách mạng. Chính Phan Châu Trinh, trong một bức thư đề ngày 18/2/1922 gửi từ Marsaile cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: “Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu… Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cuối thư, Cụ ví Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết tinh thông… không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình, chí sĩ nước ta”(5).
“Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”. Nhà thơ Liên Xô - Osip Emilyevich Mandelstam.
Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô. Trên đất nước của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập, nghiên cứu để mong có ngày trở về Tổ quốc để giải phóng nước mình, mang tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà thơ Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam đã gặp Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm đáng nhớ đó và có bài viết trên tạp chí Ogoniok, số 39 (năm 1923): “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”. Mấy chục năm sau, tại thủ đô Moscow của nước Nga, có một quảng trường mang tên Hồ Chí Minh, có tượng đài của Người với dòng chữ bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Nhiều thế hệ người Nga vẫn thường đến đây để dâng hoa, tỏ lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam yêu quý. Trường Đại học Tổng hợp của Thành phố Saint Petersburg có Học viện Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những năm tháng hoạt động trên đất nước Trung Quốc. Giữa thập niên hai mươi của thế kỷ trước, Người đến Quảng Châu và mở các lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh được Người chọn làm Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hơn 15 năm sau, Người có chuyến đi đến Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuốn “Nhật ký trong tù” ra đời trong hoàn cảnh ấy: “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/ Mười tám nhà lao đã trải qua”. “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Người luôn đau đáu “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”…
Năm 1947, trong chuyến thăm hữu nghị Ấn Ðộ theo lời mời của Thủ tướng Nehru, Bác Hồ đã được các nhà lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ dành sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Tại cuộc đồng diễn của hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng vị chủ tịch của Việt Nam, các em đồng thanh hô lớn: “Cha, cha Hồ” (Bác Hồ! Bác Hồ!).
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định: “Tôi thành thật khi được làm quen với cuộc sống của người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới”.
Sinh thời, Chủ tịch Cuba Phidel Castro ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn ở các dân tộc khác trên thế giới”. Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez có nhiều bài thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu là hai tác phẩm “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ”.
Ngài Abudul Aziz Boutiflika, Tổng thống Algeri viết: “Chúng tôi tự hào và đánh giá cao sự khiêm nhường, giản dị, thanh cao của Hồ Chí Minh. Cuộc đời con người vĩ đại này sẽ còn sống mãi, bất diệt trong ký ức của dân tộc mình. Người còn là nguồn hy vọng và ngọn đuốc cho các dân tộc đang đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng, tự do, tiến bộ và thịnh vượng”.
Đảng Cộng sản Australia ghi những dòng xúc động: “Như tất cả những nhà cách mạng vĩ đại chân chính, Hồ Chí Minh là xương, thịt của nhân dân. Người sống giản dị, khiêm tốn trong sự vĩ đại, một lòng một dạ cống hiến cho sự nghiệp cao cả: độc lập, tự do cho Việt Nam, con đường cách mạng cho công nhân và nhân dân bị áp bức trên thế giới”.
Ngài Xtenly Mabidela, lănh đạo của Hội đồng Cách mạng Đại hội dân tộc Phi khi thăm Việt Nam, thăm nơi ở lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã viết: “Một ngôi nhà đơn sơ, một chiếc giường giản dị. Người sống một cuộc sống vô cùng khiêm tốn trong lúc chính Người có thể sống như một ông vua. Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho mọi thời đại cách mạng. Đó là một con người suốt đời hoạt động cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, không chỉ cho nhân dân Việt Nam, mà cho người châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh và ở khắp những nơi còn có sự bất công”.
Bà Esther Petraxa, người Chile, viết: “Nơi ở và làm việc của đồng chí Hồ Chí Minh quả là một bài học lớn đối với tất cả những người cách mạng trên thế giới. Cuộc sống đơn sơ và giản dị của Người chứng tỏ rằng Người đã vượt lên trên hết thảy mọi ham muốn vật chất. Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc. Chính vì vậy, với dân tộc mình, Người trở nên vĩ đại và đáng yêu. Với các dân tộc trên thế giới, Người trở thành con người đáng kính và đáng khâm phục”.
Ngài Venkataraman, Tổng thống Ấn Độ ca ngợi: “...Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà đấu tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu. Bằng bản lĩnh và tài năng, Người đã lãnh đạo nhân dân mình tự giải phóng khỏi gông xiềng đế quốc, tạo dựng nên hình ảnh bất diệt trong trái tim khối óc của những người yêu nước Việt Nam. Người còn là một người có tinh thần quốc tế chủ nghĩa tuyệt vời: sống hết mình cho niềm tin cuộc sống của những dân tộc anh em khác, vì những mục đích cao cả của loài người trên khắp năm châu. Người là nguồn động lực và khát vọng cho tất cả những ai yêu hòa bình trên thế giới trong mọi thời đại”.
Nữ nhà báo, nhà văn Pháp Madeleine Riffaud từng đến Việt Nam nhiều lần và vinh dự được nhận làm con nuôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà tặng Bác Hồ cuốn sách “Ở miền Bắc Việt Nam viết dưới bom” với lời đề tặng: “Kính gửi Bác Hồ sự đóng góp nhỏ bé nhưng chân thành này vào cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng với tất cả tấm lòng của cháu”.
Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk viết: “...Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ - La tinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này...”.
Giáo sư H.Din của Trường Đại học Boston (Mỹ) viết: “Người là một trong những lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ này. Giữa lúc ở nhiều nơi trên thế giới rất cần cách mạng thì Người đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở Việt Nam, một cuộc cách mạng nhằm thay đổi cơ cấu xã hội đã có từ lâu ở Việt Nam, để làm sao cho nhiều người hơn nữa có thể hưởng những thành quả của xã hội, và một cuộc cách mạng nhằm lật đổ ách thống trị của nước ngoài, trước đây là Pháp, sau này là Mỹ...”.
Ở nước Pháp, có khoảng 45 điểm di tích lưu giữ nhiều di tích, tài liệu, hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến 1927. Nổi bật nhất là Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp có thể kể đến Bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Người ký tên gửi tới Hội nghị Versailles; tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours lịch sử, Người đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), Người đã góp phần thổi một luồng gió mới đến nhân dân các nước bị áp bức, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc. Cũng có những quốc gia Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa kịp đến nhưng tình cảm của người dân dành cho Người rất đặc biệt.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thủ đô La Habana (Cuba). Ảnh: Vũ Hà - P/v TTXVN tại Cuba |
Ở Cuba, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm Công viên Hòa Bình trên Đại lộ 26, một trong những đại lộ lớn nhất tại thủ đô La Habana. Công viên này được người dân La Habana trìu mến gọi là công viên Hồ Chí Minh. Ở Lào, tình cảm của nhân dân Lào đối với Người rất thành kính, sâu đậm. Ở tỉnh Sê Kông, trên bàn thờ của hầu hết các gia đình đều đặt di ảnh Bác Hồ. Mỗi dịp lễ, tết quan trọng, họ đều thắp hương lên bàn thờ, mong được Bác Hồ phù hộ. Bài hát “Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời” của nhạc sĩ Buangeun Saphouvong là bài hát thường được biểu diễn trong các sự kiện lớn của hai nước.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ”, nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl viết bài hát “The ballad of Ho Chi Minh” (Bài ca Hồ Chí Minh). Bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở nên thân thuộc trong các sự kiện quốc tế. Bài hát đã đi vào trái tim, thấm vào tâm hồn của biết bao người, chứa đựng tình cảm sâu sắc của bạn bè thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Ở trên đất nước ta, từ năm 1945 đến nay, đã biết bao tác phẩm báo chí, văn, thơ, lý luận, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số… viết về thân thế, sự nghiệp cách mạng cao quý của Bác Hồ, về hình tượng Hồ Chí Minh, về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Nếu muốn kể ra đây một số tác phẩm xuất sắc về Người, thì điều ấy cũng là việc làm rất khó. Chỉ riêng âm nhạc, là các tác phẩm: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Người là niềm tin tất thắng”, “Bài ca dâng Bác”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Vào lăng viếng Bác”, “Thăm bến Nhà Rồng.
Từ Làng Chùa, Làng Sen của quê hương Nam Đàn, Nghệ An, Hồ Chí Minh đã hòa mình cùng cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân, dân tộc mình và nhân dân thế giới; Người vươn ra biển lớn để từ một người yêu nước chân chính thành người cộng sản chân chính, một nhà cách mạng và văn hóa lớn của phương Đông và phương Tây. Từ thế giới, Người lại trở về với nhân dân mình, dân tộc mình. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh. Người là đóa sen đẹp nhất, thơm ngát nhất của dân tộc Việt Nam và là đóa sen đẹp, thanh cao, mẫu mực của nhân loại./.
(2) Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú.
(3) Theo cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện”của tác giả T.Lan, bản in năm 1976 của Nhà xuất bản Sự thật.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập X, trang 126-128 (Bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, đăng trên Tạp chí Các vấn đề phương Đông, Liên Xô, 1960, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin).
(5) Bác Hồ với đất Quảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.