Văn hóa - Giáo dục
Hé lộ lời khai về những cuộc điện thoại nhờ nâng điểm
Ngày 11/5, TAND tỉnh Hoà Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 15 bị cáo trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “nhận hối lộ” và “đưa hối lộ”, làm sai lệch kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình.
Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người do Thẩm phán Nguyễn Quang Tuấn làm Chủ tọa phiên toà này. Viện KSND tỉnh Hòa Bình cử 4 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử theo ủy quyền của Viện KSND tối cao.
Nhiều cán bộ trong ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình cũng được triệu tập đến phiên toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Một trong số đó là ông Bùi Trọng Đắc (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình, bị kỷ luật cách chức năm 2019).
Trong phần thủ tục phiên toà, bị cáo Khương Ngọc Chất (SN 1975, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình) đề nghị HĐXX triệu tập ông Hoàng Văn Giang (là bảo vệ cầm chìa khóa cửa lối lên phòng chứa bài thi). Bị cáo Chất cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm người liên quan là các thí sinh và phụ huynh có con được nâng điểm vì HĐXX chỉ triệu tập 38/58 trường hợp được nâng điểm thi môn trắc nghiệm.
Về đề nghị của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, những người vắng mặt đã có lời khai ở giai đoạn điều tra nên sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng tới hoạt động xét xử. Chủ tọa phiên toà đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát.
15 bị cáo được xác định đã tác động, can thiệp chỉnh sửa đáp án nâng điểm 145 bài thi của 58 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình gồm: Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình Phó trưởng Ban chấm thi, phụ trách tổ chấm bài thi trắc nghiệm; Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974, cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí Sở GĐ&ĐT tỉnh Hoà Bình, Phó trưởng Ban chấm thi); Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, cựu Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lạc Thủy, Uỷ viên Tổ chấm bài thi trắc nghiệm); Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, cựu chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GĐ&ĐT tỉnh Hoà Bình)' Nguyễn Thị Thu Loan (SN 1979, cựu giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân); Nguyễn Thị Hồng Chung (SN 1980, cựu giáo viên Trường THPT Ngô Quyền); Bùi Thanh Trà (SN 1980, cựu giáo viên Trường THPT Lương Sơn); Khương Ngọc Chất (SN 1975, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hoà Bình, Ủy viên Ban chỉ đạo kỳ thi); Quách Thanh Phúc (SN 1969, cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT 19/5); Nguyễn Tân Hưng (SN 1979, cựu cán bộ Phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình); Nguyễn Đức Hoàng (SN 1979, cựu Thanh tra viên Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình); Đào Ngọc Thuật (SN 1980, cựu giáo viên Trường THPT Mường Bi); Phùng Văn Thụ (SN 1966, cựu Trưởng phòng GDTX, giáo dục chuyên nghiệp); Lê Thị Hồng (SN 196, cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ); Hồ Chúc (SN 1975, cựu giáo viên Trường THPT Thanh Hà).
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Vinh được xác định giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo đồng phạm thực hiện hành vi can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh. Bị cáo Khương Ngọc Chất đã móc nối, bàn bạc với bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn từ trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để nâng điểm cho 10 thí sinh.
Các bị cáo tại phiên xử. |
Trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã lợi dụng vị trí ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh. “Bị cáo Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo bị cáo nâng điểm. Sau đó, nhiều đồng nghiệp, người quen cũng nhờ bị cáo giúp đỡ nâng điểm cho các thí sinh. Lúc đó bị cáo chỉ nghĩ đơn thuần là, sai theo quy chế thi và nếu phát hiện chỉ bị xử lý hành chính”, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai.
Khai về quá trình nâng điểm, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn cho biết, đã nhận từ bị cáo Vinh và các bị cáo khác danh sách thông tin về tên thí sinh, số môn thi, số điểm cần đạt… Sau đó, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn rủ thêm bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn cùng nâng điểm cho thí sinh.
Theo lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, thời điểm đó, bị cáo Chất gặp và nói với bị cáo, có 10 thí sinh cần nâng điểm, số này là con em trong ngành cần nâng điểm thi xét tuyển đại học. “Anh Chất gọi bị cáo ra trước cửa quán, mỗi người đi ô tô của mình. Bị cáo xuống xe sang mở cửa xe anh Chất. Lúc đó anh Chất đưa túi li nông màu đen rồi không nói gì và đi luôn. Trong túi có 500 triệu đồng, hiện số tiền này chưa nộp cho cơ quan điều tra”, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai.
Cũng khai về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận đã nhận số tiền 300 triệu đồng từ bị cáo Hồ Chúc, và nhận số tiền 250 triệu đồng từ bị cáo Đào Ngọc Thuật. Khi đưa tiền, bị cáo Chúc và bị cáo Thuật nói, đây là quà gia đình các thí sinh cảm ơn.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai tiếp, sau khi sự việc bị phát hiện, bị cáo rất lo lắng nên đã gọi cho bị cáo Chất và được dặn, cứ bình tĩnh để anh ấy cố gắng lo. “Anh Chất nhắc bị cáo đừng khai ra mối quan hệ giữa bị cáo và anh ấy. Nếu cơ quan điều tra hỏi về nội dung các cuộc điện thoại giữa bị cáo và anh Chất thì phải nói rằng, điện thoại trao đổi về hoa lan”, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn khai.
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (đứng) trả lời HĐXX. |
Cũng theo lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, khi sự việc bị lộ, bị cáo và bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn đã đến gặp bị cáo Nguyễn Quang Vinh. Lúc đó, bị cáo Vinh dặn, các bị cáo cứ bình tĩnh để bị cáo Vinh ở ngoài lo. Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn thừa nhận những lời khai của bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn liên quan đến mình đều đúng sự thật. Kết thúc phần trả lời thẩm vấn, cả hai bị cáo Tuấn đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì hành vi của mình gây ra kéo theo một thế hệ học không giỏi mà vẫn được nhập học.
Đến lượt trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Quang Vinh cho biết, bị cáo đã có hai lá đơn khiếu nại gửi Viện KSND tối cao với lý do, không đồng ý cáo trạng và kết luận điều tra xác định hành vi của bị cáo.
Nguồn: Nguyễn Hưng – Ngô Thủy/Báo CAND