Văn hóa - Giáo dục

Những khó khăn trong dạy học trực tuyến

10:43, 01/04/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thời điểm này, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các em học sinh nghỉ học kéo dài thì việc dạy học trực tuyến được xem là một giải pháp được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng như các nhà trường đưa ra nhằm củng cố kiến thức cho học sinh cũng như đảm bảo không bị gián đoạn việc học.
Học sinh theo dõi chương trình Dạy & học cùng NTV trên sóng truyền hình
Học sinh theo dõi chương trình Dạy & học cùng NTV trên sóng truyền hình
Nhằm mục đích giúp học sinh lớp 9 và lớp 12 ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 và kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, vừa qua, Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An tổ chức hình thức dạy học trực tuyến trên truyền hình.  Hình thức này phần nào đáp ứng được nhu cầu củng cố kiến thức cấp bách của học sinh, nhất là với học sinh cuối cấp. Với hình thức phát sóng trên truyền hình, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận bài giảng. Nếu các em không kịp theo dõi trong khung giờ phát sóng có thể xem lại trên các hạ tầng mạng của đài  truyền hình như: Fangage “Dạy & học cùng NTV”, kênh Youtube...  Mọi thắc mắc của học sinh có thể được các thầy, cô giáo giải đáp qua hộp thư điện tử dayvahoccungntv@gmail. com 
 
Trước đó, tại nhiều trường cũng đã chủ động cung cấp nội dung ôn tập và hướng dẫn học sinh tự học thông qua các hệ thống như E-Learning, website của nhà trường, zalo, phần mềm room, facebook, facetime…Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn là ngôi trường đầu tiên tổ chức dạy học trực tuyến trên mạng facebook. Cô Phạm Thị Hằng, giáo viên dạy môn Ngữ văn chia sẻ, việc dạy học trực tuyến trong thời điểm này là rất cần thiết, tuy nhiên, do mới tiếp cận nên rất nhiều giáo viên bị động. Khi dạy trực tuyến đòi hỏi nội dung giáo án phù hợp, làm thế nào để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, nhà trường phải trích kinh phí không nhỏ để đầu tư máy quay chuyên nghiệp...
 
Một thực tế, dạy học trực tuyến chỉ là một giải pháp tình thế. Tại nhiều trường học ở một số địa phương, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhất là với những học sinh ở miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, cho nên việc triển khai đại trà là rất khó. Theo nhiều giáo viên chia sẻ, thì không thể áp dụng duy nhất một giải pháp cho tất cả học sinh mà nên tùy vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương để có cách thức dạy học phù hợp. Điển hình như phối hợp với Đoàn Thanh niên trực tiếp vào tận nhà hướng dẫn các em học bài, xây dựng mô hình “Tiếng kẻng học bài”... Cũng theo các bậc phụ huynh, việc dạy trực tuyến có thể có hạn chế với một số học sinh không tự giác học nếu không có sự quản lý của gia đình và không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh...
 
Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, phát biểu tại Hội nghị, ông  Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, trong thời điểm hiện nay, để dạy học trực tuyến trên truyền hình ở tất cả các bậc học là khó khả thi vì thời lượng trên sóng truyền hình hạn chế và ở nhiều địa phương, trong đó có nhiều huyện miền núi của Nghệ An, học sinh không có điều kiện để tiếp cận. Trước mắt, Nghệ An chỉ ưu tiên học sinh cuối cấp là lớp 9, lớp 12 và có thể là lớp 4, lớp 5. Với lịch nghỉ học còn phải kéo dài, Nghệ An đề nghị Bộ cần xây dựng một chương trình dạy học trực tuyến chung cho toàn quốc và các địa phương tùy theo thế mạnh của mình có thể hỗ trợ xây dựng nội dung cho từng môn học.

Phan Tuyết

Các tin khác