Văn hóa - Giáo dục
Áo dài - nét đẹp văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
09:24, 11/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, tô thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, là hiện thân của dân tộc. Vì vậy, phải khẳng định rằng, áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, một hình thức không gian văn hóa có giá trị được UNESCO công nhận.
Với tôi, mỗi lần đi ngang qua phố, thấp thoáng tà áo dài của các nữ sinh, lòng lại chộn rộn, xốn xang, bao kỷ niệm ùa về của một thời học trò hồn nhiên, trong trẻo. Hay, mỗi dịp hành hương về nguồn, khoác lên mình chiếc áo dài dân tộc, dấy lên cảm xúc tự hào và hãnh diện. Dù thời gian có đổi thay, cuộc sống có xoay vần thì chiếc áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp Việt Nam. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà nó còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu.
Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ Báo Công an Nghệ An trong trang phục áo dài truyền thống |
Thời gian vừa qua, dư luận hết sức phẫn nộ trước sự việc tờ China Daily phiên bản tiếng Anh có đăng nhiều hình ảnh mẫu nữ trình diễn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam cùng chú thích: "Chinese style delights China S/S Fashion Week'' (Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week). Cũng tại các cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu không đồng ý áo dài thành quốc phục vì lý do tôn trọng đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, việc làm hồ sơ di sản liên quan đến áo dài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra, phấn đấu năm 2020, làm đủ quy trình, thủ tục công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm về bảo vệ hình ảnh tà áo dài Việt Nam. Bộ này sẽ cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Tháng 3 - tháng tôn vinh phái đẹp. Tháng ba này lại càng đặc biệt, khi khắp mọi miền của đất nước, chị em phụ nữ đẹp dịu dàng, đằm thắm trong chiếc áo dài thướt tha, một vẻ đẹp riêng chỉ có ở người phụ nữ Việt Nam. Hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, phụ nữ ở khắp mọi miền trong cả nước thực hiện tuần lễ Áo dài.
Tại Nghệ An, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã có các công văn gửi về các huyện, thành, thị, hưởng ứng tổ chức các hoạt động với chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, tạo sự lan tỏa, tôn vinh và quảng bá nét đẹp của áo dài Việt.
Ngày 9/3, Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21 chỉ đạo Hội LHPN TP Vinh tổ chức Cuộc thi Ảnh đẹp Online “Duyên dáng áo dài Việt Nam”. Cuộc thi nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong mỗi người phụ nữ, hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Thông qua cuộc thi cũng tạo điều kiện cho các tầng lớp phụ nữ có cơ hội chia sẻ, thể hiện tình cảm của mình dành cho chiếc áo dài truyền thống, góp phần tôn vinh vẻ đẹp nền nã, mềm mại, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa cũng như quá trình ra đời của chiếc áo dài truyền thống của dân tộc.
Trước đó, nhằm tôn vinh giá trị áo dài Việt, Hội LHPN tỉnh cũng đã kêu gọi nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, phụ nữ, nữ thanh niên cùng hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” từ ngày 2/3 - 8/3, đặc biệt mặc đồng loạt áo dài vào ngày 6/3. Ngoài ra, tại các cấp Hội có nhiều hình thức tôn vinh áo dài sinh động và phong phú như vận động ủng hộ áo dài cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về truyền cảm hứng áo dài... Dự kiến, trong tháng 4 này, sẽ diễn ra hoạt động trình diễn áo dài, diễu hành và đồng diễn áo dài.
Được biết, trong tháng 4 sẽ diễn ra Hội thảo “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức sẽ làm rõ hơn các giá trị liên quan đến áo dài, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của áo dài Việt Nam, góp phần thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh giá trị áo dài từ các cấp, ban, ngành, đoàn thể, chúng ta tin tưởng rằng, áo dài là của Việt Nam. Và với chúng tôi, những thế hệ trẻ hôm nay, tiếp tục gìn giữ và bảo tồn những giá trị nhân văn trong trang phục truyền thống để biết trân quý những giá trị mà ông cha để lại.
Phan Tuyết