Văn hóa - Giáo dục
Học để cùng chung sống
15:37, 10/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Không chỉ liên quan tới vấn đề sức khỏe học sinh, câu chuyện “nữ sinh đánh nhau” ở một khía cạnh nào đó nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc xác định mục đích học tập.
Thêm một clip nữ sinh đánh bạn ở Thanh Hóa được phát tán làm nhiều người quan tâm, dù thời gian xảy ra vụ việc đã cách đây 1 tháng và thông tin về vụ việc cũng bị chìm lấp đi giữa vô số tin tức thời sự khác.
Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là vụ việc “đánh nhau” theo đúng nghĩa, bởi từ đầu đến cuối, một nữ sinh lớp 12 hung hãn đánh đập tới tấp, còn nạn nhân thì hoàn toàn không hề chống trả mà chỉ biết cúi mặt chịu trận.
Điều đáng nói là trong clip này cũng như nhiều clip khác, ngoài 2 nhân vật chính là những học sinh có hành vi bạo lực và nạn nhân, xung quanh vẫn có nhiều người khác từ bạn bè, thậm chí đôi lúc là người lớn qua đường nhưng tuyệt nhiên không ai tỏ thái độ, chí ít là không đồng tình với cái ác, chứ chưa nói đến chuyện lên tiếng phản đối hay bênh vực nạn nhân.
Đáng nói hơn nữa, sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm của 2 lớp biết nhưng không báo lên ban giám hiệu nhà trường. Nguyên nhân là do các học sinh xin thầy cô không báo lên ban giám hiệu vì sợ bị ghi hạnh kiểm không tốt. Các thày cô đã thể hiện thái độ thờ ơ vô trách nhiệm và tệ hơn nữa là việc giấu diếm sự thật.
Đã có không ít những clip học sinh đánh nhau được phát tán trên mạng xã hội và cả những cơ quan truyền thông, nhưng lần nào xuất hiện một clip mới, những người làm cha làm mẹ khi buộc phải xem chúng vẫn phải bức xúc và đâu đó lẩn khuất cảm giác sợ hãi mơ hồ, liệu có một ngày nào đó điều tồi tệ ấy đến với chính những đứa con mình?
Và dù rất phẫn nộ với những học sinh đánh bạn nhưng người xem vẫn phải đặt ra một câu hỏi: Dường như nạn nhân, những học sinh bị đánh, gần như không có bất cứ một kỹ năng nào bảo vệ mình khi bị tấn công? Ngay cả những kỹ năng thông thường nhất mà bất cứ một người trưởng thành nào cũng có thể nghĩ đến cũng không được các em áp dụng: thận trọng trong giao tiếp, né tránh xung đột, hoãn binh, tự vệ và thậm chí là bỏ chạy… Có phải đấy chính là những kỹ năng sống cần thiết mà mỗi đứa trẻ cần học?
Có nhiều lý do dẫn tới những vụ bạo lực học đường và trong vụ việc đang bàn đến, lý do được đưa ra là nạn nhân đã nói xấu mẹ của người “ra tay”. Nếu lý do này là chính xác, vụ việc một lần nữa đặt ra những câu hỏi cho thày cô và các bậc phụ huynh về việc dạy dỗ học sinh, nhất là về cách nhìn nhận và hành xử trước những bức xúc nảy sinh trong cuộc sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc sử dụng bạo lực đều rất khó chấp nhận.
Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO, học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để chung sống với người khác. “Chung sống với người khác” rõ ràng là một mục đích vô cùng quan trọng, bởi một lý do hiển nhiên: Con người – một sinh vật xã hội, không thể biệt lập một mình và luôn tồn tại trong mối quan hệ với những người khác, với cộng đồng xã hội.
Cha mẹ quan tâm hơn đến con cái, để biết chúng chơi với ai và thậm chí là đang mâu thuẫn với ai, thầy cô tận tâm hơn với học trò, cả xã hội cùng lên tiếng phản đối hành vi bạo lực... đó là trách nhiệm của những người lớn góp phần bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong đó, phải hết sức nhấn mạnh đến vai trò của các bậc cha mẹ, các thày cô giáo và nhà trường, môi trường nơi học trò sống và học tập hằng ngày.
Quang Lê