Thứ Ba, 14/01/2020, 08:06 [GMT+7]

Thư viện tư nhân Nâng tầm văn hóa đọc

(Congannghean.vn)-Nhiều thư viện, tủ sách tư nhân ra đời đã tạo sự lan tỏa, nâng tầm văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là trong thời đại công nghệ bùng nổ.
Thư viện Làng Sen mở cửa thu hút các em học sinh đến đọc sách
Thư viện Làng Sen mở cửa thu hút các em học sinh đến đọc sách
Nghệ An là một trong những tỉnh có hơn 15 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng có giấy phép hoạt động,  trong đó chủ yếu tồn tại theo kiểu thư viện của các dòng họ. Tiêu biểu như dòng họ Hoàng Kiên ở huyện Diễn Châu, dòng họ Đào Văn ở huyện Đô Lương, dòng họ Nguyễn Đình ở huyện Nghi Lộc... Hay tủ sách, thư viện của một số cá nhân như thư viện cây Tùng ở huyện Hưng Nguyên do Đại tá về hưu Nguyễn Huy Thục đứng ra thành lập; thư viện “hiên nhà” của CCB Nguyễn Thế Viên ở huyện Yên Thành; thư viện “làng chài” của ông Nguyễn Đình Thọ ở huyện Nghi Lộc... Có thể thấy rằng, tuy số lượng sách chưa nhiều nhưng phần nào đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc đối với người dân, nhất là các em học sinh ở những nơi còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng các xã bãi ngang... và được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện.
 
Thư viện “hiên nhà” là cách gọi của người dân xã Hùng Thành, huyện Yên Thành khi nói đến tủ sách đặc biệt với 500 đầu sách của CCB Nguyễn Thế Viên. Tận dụng mái hiên nhà được kéo dài nối liền ra sân vườn, CCB Nguyễn Thế Viên đặt các tủ sách, bàn ghế phục vụ nhu cầu bạn đọc. Tủ sách của ông có trên 500 đầu sách gồm đủ các loại, ngoài các loại báo, tạp chí, có những cuốn sách xuất bản từ lâu như “Thép đã tôi thế đấy”, “Số đỏ”,  những tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... đến những sách của NXB Kim Đồng dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng...
 
CCB Nguyễn Thế Viên chia sẻ, xuất phát từ niềm đam mê đọc sách, cũng như bắt nhịp với xu thế hiện nay, khi mà đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng cao nên ông đã mở tủ sách thư viện “hiên nhà”. Sách của ông không những được tích lũy từ thời trai trẻ, được biếu mà ông còn giành dụm tiền để mua; không những thế, ông còn sáng tác cả những tập thơ, truyện. Những cuốn sách do ông viết nhằm ghi lại những tấm gương dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ hay những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất như “Âm vang Điện Biên”, “Hoa lúa”, “Vang mãi bài ca mở đường”... Hàng ngày, sau mỗi buổi đi làm về, người dân trong xóm lại tìm đến thư viện “hiên nhà” của CCB Nguyễn Thế Viên để giải tỏa những mệt mỏi, vất vả.
 
Thư viện Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, được dòng họ Nguyễn Sinh xây dựng, phục vụ miễn phí cho nhân dân tại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2007, với mong muốn con cháu trong dòng họ Nguyễn Sinh, Hoàng Đường, nhân dân địa phương có chỗ đọc sách, nâng cao dân trí, ông Nguyễn Sinh Hùng - là con cháu của dòng họ Nguyễn Sinh, lúc đó đang là Chủ tịch Quốc hội - đã đứng ra kêu gọi xây dựng thư viện Làng Sen.
 
Đến nay, thư viện Làng Sen có trên 30.000 cuốn với trên 10 danh mục ở nhiều lĩnh vực, trong đó nhiều nhất vẫn là các sách viết về Bác Hồ. Ngoài ra, có sách tham khảo, các tác phẩm văn học, truyện tranh, sách dạy nghề... phù hợp với mọi lứa tuổi, ở nhiều ngành, nghề... Thư viện Làng Sen không những đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong làng mà bạn đọc ở các huyện khác cũng tìm đến.
 
Đánh giá về hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, trong nhiều năm qua, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam phát triển mạnh, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian cho người dân học tập suốt đời. Một số thư viện tư nhân, không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…
 
Thiết nghĩ, để thư viện tư nhân duy trì và phục vụ có hiệu quả thì cần khuyến khích, động viên các cá nhân để góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc. Song song với đó, thì sự quan tâm của các cấp chính quyền là rất quan trọng như việc hỗ trợ, bồi dưỡng miễn phí kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thư viện cho những người tham gia hoạt động thư viện tư nhân, phối hợp với thư viện Nhà nước tổ chức các hoạt động quyên góp, luân chuyển sách báo nhằm đa dạng hóa các đầu sách. Bên cạnh đó, tạo cơ chế hoạt động cho thư viện tư nhân thông qua nguồn xã hội hóa, sự ủng hộ của chính quyền...
.

Phan Tuyết

.