Văn hóa - Giáo dục
Một đời tận hiến cho nền kịch hát dân ca ví, giặm
(Congannghean.vn)-Nghe nhiều và thích lắm bài hát nổi tiếng “Giận mà thương”, thế nhưng chỉ đến khi tham gia Hội thảo khoa học về vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, tôi mới biết tác giả bài hát. Nguyễn Trung Phong, người một đời tận hiến cho nền kịch hát dân ca ví, giặm.
Các đại biểu tham quan triển lãm, trưng bày một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật về nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong |
Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 - 1990) sinh ra tại làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu trong một gia đình nho học. Ông nguyên là Phó Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nghệ Tĩnh, là một nghệ sĩ có nhiều đóng góp to lớn cho nền sân khấu truyền thống tỉnh nhà, nhất là sự hình thành và phát triển kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sửu - vợ nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong nhớ lại: “Chồng tôi mê cái gì là chỉ sống chết với cái đó. Cái hồi viết “Cô gái sông Lam”, ông miệt mài, không ngó ngàng đến ai. Bữa nào thấy ông vui vẻ, là vợ con hiểu ông có nhiều ý tưởng, viết được nhiều, còn nếu như với khuôn mặt đăm chiêu thì có thể là đang cạn lời, hoặc chưa viết được gì ưng ý”. Với Nguyễn Trung Phong, viết kịch là lẽ sống.
Từ thuở ấu thơ, những câu hò, điệu ví đã thấm sâu trong tâm hồn của cậu bé Nguyễn Trung Phong, vì vậy sau này, dù không trải qua trường lớp đào tạo nào, nhưng với niềm đam mê, tài năng thiên phú, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao. Điển hình là vở kịch “Cô gái sông Lam” từng “làm mưa, làm gió” trên sân khấu chèo, kịch dân ca những năm 60, 70. “Cô gái sông Lam” với 5 màn diễn đặc sắc đã đưa sân khấu Chèo Nghệ An lên một tầm cao mới. Vở diễn đã giành được 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1962. Năm 1974, vở chèo được chuyển thể sang kịch dân ca Nghệ Tĩnh và gây tiếng vang lớn không chỉ ở các vùng quê xứ Nghệ lúc bấy giờ, mà vang xa ra toàn quốc.
Dù không phải là nhạc sĩ nhưng Nguyễn Trung Phong đã để lại cho đời làn điệu “Giận mà thương” bất hủ. Nói về bài hát “Giận mà thương”, theo lời kể của nhạc sĩ Thanh Lưu - nguyên Trưởng đoàn Dân ca Nghệ An, những năm 1965 - 1967, phong trào văn nghệ quần chúng ở Nghệ An phát triển, nhất là dân ca kịch ví, giặm. Thời gian này, Nguyễn Trung Phong sáng tác vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng”. Khi giao cho Đội văn nghệ xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu dàn dựng vở này, thấy làn điệu ví, giặm nguyên gốc được sử dụng trong vở kịch quá nhiều, gây nhàm chán, không lột tả được tâm trạng nhân vật, Nguyễn Trung Phong đã nảy ra ý tưởng cải biên thêm làn điệu mới cho phù hợp. Sau nhiều đêm suy ngẫm, điệu hát “trăn trở” ra đời. Sau này, được sự tư vấn của nhạc sĩ Mai Hồng và nhạc sĩ Thanh Tùng, điệu hát này được đổi thành “Giận mà thương”. Những câu hát ấy không chỉ giúp nhân vật trong vở kịch “Khi ban đội đi vắng” của ông thể hiện được hết cung bậc cảm xúc của mình mà còn trở thành một điệu hát phổ biến và là chất liệu cho nhiều nhạc sĩ sáng tác những ca khúc nổi tiếng sau này.
Với nhận xét của nhiều bậc tiền bối, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ thì chỉ cần với “Giận mà thương” và “Cô gái sông Lam”, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã xứng đáng được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thế nhưng, cho đến nay, nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong vẫn chưa được nhận giải thưởng xứng đáng này.
Vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Vai trò nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm” được tổ chức tại TP Vinh, đã có rất nhiều ý kiến, đóng góp, đề xuất tặng giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Tại hội thảo, các đại biểu là nhà nghiên cứu văn hóa, đồng nghiệp cùng thời, học trò... của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cũng đã trình bày nhiều tham luận, khẳng định vai trò quan trọng của ông đối với bộ môn kịch hát dân ca xứ Nghệ.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và cả trên cương vị nhà quản lý. “Đề nghị Sở VH&TT Nghệ An kết hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tặng giải thưởng Nhà nước đối với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu.
Phan Tuyết