(Congannghean.vn)-Người dân nơi đây gọi ông là “Nhạc sĩ núi rừng”. Những bài hát mang chất liệu dân ca trữ tình theo làn điệu của đồng bào Thái do ông sáng tác đi vào lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ vào các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới… Ông là nhạc sĩ, Nghệ nhân ưu tú Lê Hoàng.
Nhạc sĩ Lê Hoàng biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Lễ vinh danh Nghệ nhân ưu tú |
Với niềm đam mê và năng khiếu từ nhỏ cùng với vốn sống và kinh nghiệm tích lũy được, ông quyết định gửi tâm tình vào những nốt nhạc, để nhận về tình yêu mến và cả niềm tin. Đồng bào vùng cao luôn thể hiện sự kính trọng và ghi nhớ công ơn Bác Hồ. Vì lẽ đó, qua các ca khúc của mình, Lê Hoàng thường nói hộ tình cảm của đồng bào đối với vị Cha già dân tộc. Trong đó, phải kể đến những ca khúc như “Bản mường ơn Bác”, “Lời Bác còn ngân trong lòng mường”, “Lời ca ơn Bác”, “Suối ngàn nhớ Bác”. Ngoài những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, là những sáng tác ca ngợi tình yêu đối với bản làng, với quê hương, đất nước với ca từ giản dị, trong sáng, chân thành, tha thiết. Đó là cách sống, cách ứng xử của đồng bào người dân nơi đây.
Vào dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, hay mừng đám cưới…, hòa trong tiếng cồng, chiêng không thể thiếu những ca khúc do nhạc sĩ Lê Hoàng sáng tác. Với chất liệu dân ca trữ tình theo làn điệu: lăm, lhắp, xuối, nhuôn… của đồng bào Thái đã khiến cho người dân yêu mến và vô cùng thích thú. Ngoài biết sáng tác, Lê Hoàng còn biết làm và chơi các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, khèn bè, pí nhuôn, pí khui… Ông giỏi đánh cồng chiêng, nhảy sạp, thuộc nhiều bài mo, sử thi, nặng lòng với văn hóa truyền thống. Hiện, ông sử dụng thành thạo 8 loại nhạc cụ dân tộc do chính mình làm ra.
Để gìn giữ bản sắc âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Lê Hoàng đã mở lớp dạy nhạc cụ, khí cụ cho con em người dân tộc Thái đến từ các bản làng ở huyện Con Cuông. Lớp học tập trung hướng dẫn chế tác và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như: Sáo, tiêu, pí khui và xi xa lo…Nhạc sĩ chia sẻ: Âm nhạc dân gian núi rừng thiểu số bao gồm các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ và những điệu múa… hiện đang có nguy cơ bị mai một. Bởi vậy, là người con của núi rừng, gắn bó và am hiểu văn hóa của dân tộc mình, tôi thấy phải có trách nhiệm bảo vệ, phát huy vốn văn hóa độc đáo này. Hy vọng, trong thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ mở thêm nhiều lớp dạy về đàn, hát dân ca cho thế hệ trẻ, để bảo tồn và lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc mình.
Ghi nhận những đóng góp của ông, năm 2019, nhạc sĩ Lê Hoàng được Nhà nước vinh danh là Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình trình diễn dân gian, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
.