Những ngày qua, sau khi liên tục xảy ra những vụ xe chở học sinh gặp sự cố, dư luận mới lại "giật mình" về một loại hình vận tải đang rất phổ biến từ thành phố tới nông thôn hiện nay.
Với nhiều người, hình ảnh kinh hãi nhất là chiếc xe ôtô 16 biển số 51B-079.23 do tài xế Trần Phúc Định điều khiển đón 16 học sinh và cô giáo chủ nhiệm lớp 1/6 Trường tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) khi đi tới khúc cua thì 3 em học sinh bị văng khỏi xe trên đường đưa từ trường về một điểm trông giữ trẻ.
Rất may, không có học sinh nào bị thương tích hay trầy xước. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường mới xác định, giáo viên chủ nhiệm vi phạm khi tự thỏa thuận hợp đồng với chủ xe.
Còn người lái xe thừa nhận xe cũ, khóa cốp hỏng, tự ý lắp thêm chốt lỏng lẻo ở phía ngoài, nhưng lại với thái độ vô cảm và như kiểu vô can: "Tôi cũng không nhớ là mình đã chốt then ngoài chưa. Xe này của tôi, hợp đồng riêng với cô giáo".
Xe chở học sinh bật cốp khiến học sinh rơi ra ngoài |
Tiếp đó, chỉ 3 ngày sau, cũng tại tỉnh Đồng Nai, vào lúc 16h45 ngày 29-11, ông C.T.V (48 tuổi) là tài xế điều khiển xe ôtô 16 chỗ ngồi hiệu Mercedes biển số 60V-8429 chở các em học sinh lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng xã Bình Minh đi ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom).
Khi đến khu vực đối diện Giáo xứ Tân Thành thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), cánh cửa sau xe bật ra làm rơi 2 em N.Đ.M và L.K.N (cùng là học sinh lớp 4 Trường tiểu học Diên Hồng) xuống đường gây thương tích, xây xát nhẹ.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, xe là do phụ huynh hợp đồng với tài xế chứ không phải xe nhà trường, xe đã hết hạn kiểm định vào ngày 16-11-2019, xe không có phù hiệu kinh doanh vận tải, không hợp đồng. Khi làm việc với Công an huyện Trảng Bom và Thanh tra Sở giao thông vận tải, tài xế đã cung cấp giấy phép lái xe hạng E, nhưng cơ quan chức năng sau đó xác định tài xế V. đã sử dụng giấy phép lái xe giả.
Mới đây nhất, ngày 4-12, một chiếc xe ôtô chở học sinh bốc khói mù mịt trên đường đến trường tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Thời điểm xảy ra vụ việc, trên xe chở khoảng 6 em học sinh lớp 1 và 4 em lớp 3 trường Tiểu học An Phú đến trường. Các em học sinh bị một phen hoảng sợ, tuy nhiên được đưa xuống xe kịp thời nên không bị thương.
Điều may mắn là trong các vụ việc này đã không có thiệt hại về người. Nhưng 3 vụ việc liên tiếp xảy ra với xe đưa đón học sinh đặt ra vấn đề không chỉ với nhà trường, phụ huynh mà cả với các cơ quan quản lý về việc quản lý loại hình vận tải này.
Khi xảy ra vụ cháu bé học sinh trường Gateway ở Hà Nội tử vong trong xe đưa đón, các trường có tổ chức xe đưa đón học sinh mới cuống cuồng rút kinh nghiệm, đề ra quy trình kiểm tra việc đưa đón học sinh. Ngay cả những trường được gắn mác quốc tế, thuê xe "xịn" còn để xảy ra những việc như vậy thì ở 3 trường hợp vừa qua, những chiếc xe chở học sinh toàn là loại xe quá cũ nát thì vấn đề an toàn cho con trẻ dường như đã bị bỏ qua.
Sau khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương yêu cầu các trường học có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ôtô phải lựa chọn đơn vị đủ điều kiện kinh doanh vận tải. Quy trình đưa đón học sinh phải được thực hiện nghiêm túc.
Phụ huynh, nhà trường và đơn vị kinh doanh vận tải phải cùng nhau có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương yêu cầu hiệu trưởng hoặc người đại diện theo pháp luật của trường phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh và an toàn của các cháu.
Nếu như hôm đó, khi 5 cháu nhỏ bị văng khỏi xe trên đường mà phía sau lại có xe ôtô thì có lẽ giờ đây cả nhà trường và gia đình đã không còn cơ hội để mà "rút kinh nghiệm" nữa. Rõ ràng những sự cố này là không thể chấp nhận được. Nó thể hiện công tác quản lý còn có những bất cập. Đặc biệt là cả phụ huynh và nhà trường dường như đang phó thác sự an toàn cho con em mình vào những lái xe thiếu trách nhiệm.
Từ góc độ quản lý nhà nước, đã đến lúc Bộ Giao thông - vận tải phải quan tâm đến vấn đề này. Phải có quy trình của những loại xe đưa đón học sinh và những tài xế tham gia vào công việc này. Cần phải có những hướng dẫn cụ thể, kể cả việc giao tiếp.
Phải đảm bảo sự an toàn của trẻ thông qua những giấy phép, phải đảm bảo các điều kiện mới được cấp phép đưa đón học sinh, cần kiểm định nghiêm túc. Việc phối hợp với các trường cũng rất quan trọng và UBND địa phương cũng cần kiểm tra các xe đưa đón học sinh.