(Congannghean.vn)-Đó là nội dung chính trong Văn bản số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng. Với văn bản trên, những giáo viên đã ký hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc trước ngày 31/12/2015 trên địa bàn Nghệ An đang hy vọng được đặc cách xét tuyển vào vị trí viên chức ngành Giáo dục.
Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nêu rõ: Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại Công văn số 9028-CV/VPTU) và Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 1480/VPCP) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Gần 15 năm là giáo viên hợp đồng và đóng BHXH, cô giáo Phan Thị Thiên đang hy vọng được đặc cách tuyển dụng vào ngành Giáo dục theo Công văn số 5378/BNV-CCVC |
Công văn 5378/BNV-CCVC nêu rõ, đối tượng giáo viên được tuyển dụng đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Bộ Nội vụ cũng yêu cầu, sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đáng chú ý, công văn của Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Sau khi được tiếp cận văn bản trên, nhiều giáo viên đã ký hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc từ trước năm 2015 ở Nghệ An rất vui mừng và hy vọng vì mong ước bấy lâu sắp trở thành hiện thực.
Cô giáo Phan Thị Thiên hiện đang công tác tại một trường Tiểu học trên địa bàn huyện Yên Thành cho hay, bản thân cô được ký hợp đồng với UBND huyện Yên Thành và đóng bảo hiểm bắt buộc từ năm 2004 đến nay. Vì vậy, khi Bộ Nội vụ có văn bản nói trên, cô rất vui mừng, đặt nhiều niềm tin và hy vọng được tuyển dụng đặc cách vào biên chế ngành Giáo dục. Cô Thiên cho biết, thời gian đầu ký hợp đồng, lương mỗi tháng chưa đầy 1 triệu đồng, đến nay thì đã nhỉnh hơn 2 triệu đồng/tháng, cuộc sống của hai vợ chồng và 3 đứa con tuổi ăn học cũng khá chật vật. Dù vậy, với tình yêu nghề, yêu trẻ, cô Thiên vẫn không từ bỏ nghề dạy học. Cô vẫn ước ao một ngày nào đó được tuyển dụng vào biên chế chính thức. Hiện tại, mỗi tuần cô Thiên vẫn thực hiện 23 tiết dạy và làm một số công việc khác theo nhiệm vụ được giao, song thu nhập hàng tháng không được là bao. Cuộc sống gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương giáo viên của người chồng và sự tằn tiện trong chi tiêu hàng ngày. Cô Thiên cho biết, trong suốt quá trình gần 15 năm công tác, có nhiều năm bản thân hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên dạy giỏi nhưng vì giáo viên hợp đồng nên nhiều quyền lợi khác không được như các giáo viên đã biên chế chính thức.
Tương tự, thầy giáo Nguyễn Duy Tình cũng đã có gần 15 năm là giáo viên hợp đồng với UBND huyện Yên Thành, dạy ở bậc Tiểu học. Thầy Tình cho biết, đến nay mỗi tháng lương của thầy sau khi trừ đi khoản đóng BHXH bắt buộc chỉ còn hơn 2,4 triệu đồng/tháng, kém xa so với các giáo viên khác đã biên chế chính thức. Thầy Tình chia sẻ, giáo viên hợp đồng chịu rất nhiều thiệt thòi so với giáo viên đã biên chế chính thức. Ngoài ra, cái lo lớn nhất là vừa làm việc, vừa lo bị cắt hợp đồng... “Cống hiến đã mười mấy năm rồi, bây giờ tôi cũng mong được vào biên chế để an tâm công tác, không mong muốn gì hơn”, thầy Tình nói. Những lời tâm sự, chia sẻ của thầy Tình và cô Thiên cũng là niềm mong ước của hàng trăm giáo viên khác đã ký hợp đồng và đóng BHXH bắt buộc trước năm 2015 tại Nghệ An.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2019 - 2020, toàn huyện Yên Thành đang có 68 giáo viên Tiểu học hợp đồng và đóng BHXH bắt buộc trước năm 2015 và ở bậc THCS có 33 giáo viên hợp đồng cũng thuộc diện đóng bảo hiểm như trên. So với định biên được giao, hiện ở bậc Tiểu học, huyện Yên Thành đang thiếu gần 90 giáo viên, trong khi đó ở bậc THCS lại thừa hơn 100 giáo viên. Do vậy, dù nằm trong diện được tuyển dụng đặc cách nhưng nhiều giáo viên cũng đang lo lắng, vì sợ chỉ tiêu định biên phù hợp với vị trí không đủ để tuyển dụng.
Tại huyện Nghi Lộc, qua tìm hiểu được biết, năm học 2019 - 2020, toàn huyện được giao biên chế 904 giáo viên, hiện tại so với định biên được giao, ngành Giáo dục huyện này đang còn thiếu hơn 100 định biên. Hiện, số giáo viên hợp đồng có đóng BHXH bắt buộc trước ngày 31/12/2015 có 12 người, đều là giáo viên bậc Mầm non.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Dương, Trưởng phòng Nội vụ TX Cửa Lò cho hay, năm học 2019 - 2020, số biên chế giao cho ngành Giáo dục thị xã là 598 biên chế. Tuy nhiên, hiện nay ở bậc THCS đang thừa 33 giáo viên; trong khi đó bậc Tiểu học thiếu 23 giáo viên và bậc Mầm non thiếu 22 giáo viên. Do đó, nếu tuyển dụng thì thị xã chỉ tuyển được một số hợp đồng cho giáo viên Mầm non và Tiểu học mà thôi. Ông Dương cũng trao đổi thêm, để tuyển dụng được thì Sở Nội vụ, UBND tỉnh phải có văn bản hướng dẫn cụ thể mới thực hiện được. Qua tham khảo công văn của Bộ Nội vụ thì có thể thấy, địa phương nào muốn tuyển dụng thì phải đang còn chỉ tiêu biên chế và phải có nhu cầu chuyên môn phù hợp.
Ông Dương cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên thời gian vừa qua là do tỉ lệ sinh luôn biến động giữa các năm, do biến động cơ học nên mỗi bậc học có thể năm nay thừa nhưng sang năm lại thiếu và ngược lại. Cũng theo ông Dương, các trường hợp giáo viên hợp đồng tại TX Cửa Lò thời gian qua đều được hưởng lương, xét nâng lương hàng năm, đây là điều khác biệt so với các giáo viên hợp đồng ở địa phương khác trong tỉnh. Điều này góp phần cho giáo viên ổn định công việc, an tâm công tác, cống hiến cho ngành.
Tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn Nghệ An có hàng trăm giáo viên hợp đồng và đóng BHXH bắt buộc trước năm 2015. Do đó, khi có thông tin được tuyển dụng đặc cách các giáo viên hợp đồng vào ngành Giáo dục, nhiều giáo viên thuộc diện được tuyển dụng rất hy vọng, mong chờ. Tuy nhiên, việc có được tuyển dụng đặc cách hay không còn tùy thuộc vào chỉ tiêu biên chế, định biên còn lại và nhu cầu về vị trí việc làm cần thiết. Điều các giáo viên đang hy vọng nữa là đợt tuyển dụng đặc cách này cần khách quan, minh bạch, xét đặc cách đúng người, đúng vị trí!
Qua trao đổi với phóng viên, hiện nhiều địa phương cho rằng, thời gian qua, công tác xét duyệt giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục đang có những bất cập nhưng chưa được điều chỉnh. Đó là việc giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục muộn so với năm học, giao trong năm học nhưng khi tuyển dụng xong giáo viên thì cũng đã kết thúc năm học đó. Bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Giáo dục TP Vinh lấy ví dụ, năm học 2019 - 2020 đến nay vẫn chưa được giao biên chế mà phải sang tận thời điểm tháng 1/2020 mới được giao. Sau đó triển khai công tác tuyển dụng thì phải đến tháng 4, tháng 5/2020 mới tuyển dụng xong và cũng là thời điểm kết thúc năm học. Như vậy, số lượng giáo viên đề xuất biên chế tuyển dụng đáp ứng cho năm học 2019 - 2020 không được bổ sung kịp thời.
.