Văn hóa - Giáo dục
Khó khăn trong bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển
(Congannghean.vn)-Việc cử học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đi học theo hệ cử tuyển là một chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc đào tạo cán bộ nguồn cho vùng đồng bào DTTS, nhằm giải quyết nhu cầu phát triển lực lượng cán bộ là người DTTS. Tuy nhiên, tại tỉnh Nghệ An, tình trạng nhiều sinh viên là người DTTS đi học theo chế độ cử tuyển, tốt nghiệp ra trường gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Thậm chí, có những người đã thất nghiệp nhiều năm nay.
Những năm gần đây, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An có rất nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao |
Không thể phủ nhận những mặt tích cực về chính sách cử học sinh đồng bào các DTTS đi học theo hệ cử tuyển đã bổ sung một lượng lớn cán bộ chủ chốt tại các huyện miền núi của tỉnh, khi các cán bộ chủ chốt này đã trưởng thành từ những lớp cử tuyển đầu tiên. Thời điểm 5, 7 năm trở lại đây, chất lượng đào tạo của ngành Giáo dục ở các vùng miền núi được nâng cao hơn trước, nhất là ở các trường dân tộc nội trú tỉnh và một số trường học khác nên số học sinh là người DTTS thi đỗ vào các trường đại học cũng cao hơn. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường cùng với số sinh viên đi học cử tuyển về hàng năm ngày càng cao; trong khi đó, nhiều địa phương, đơn vị đang thực hiện chính sách giảm chỉ tiêu biên chế nên việc giải quyết việc làm cho đối tượng cử tuyển gặp rất nhiều áp lực.
Theo thống kê, trong vòng 14 năm (từ năm 2005 đến nay), toàn tỉnh có 884 sinh viên học theo chế độ cử tuyển; trong đó có 859 người tốt nghiệp (các trường đại học, cao đẳng, trung cấp) và đang theo học 25 người. Hiện nay, có 585 người (chiếm tỉ lệ 68%) trong số 859 người tốt nghiệp vẫn chưa có việc làm. Điều này đã gây lãng phí lớn cho ngân sách do chế độ chi trả cho sinh viên cử tuyển thông qua hỗ trợ học bổng và trợ cấp hàng tháng cho đối tượng và lãng phí nguồn lực. Đồng thời, gây bức xúc cho các đối tượng được cử đi học và cho gia đình các em.
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan do việc xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển ban đầu từ các địa phương không sát thực tiễn thì chủ quan người học có những người không đảm bảo đúng niên độ học tập và tốt nghiệp (bậc đại học 4 - 5 năm nhưng có những sinh viên học 6 - 7 năm, thậm chí có người học 9 năm mới tốt nghiệp). Cho nên, có những vị trí công việc dự kiến dành cho sinh viên cử tuyển đã được bố trí cho người khác trong thời gian người cử tuyển tham gia học tập. Bên cạnh đó, liên quan đến đào tạo, bố trí người DTTS làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Sở Nội vụ thông tin: Ngày 14/3/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ vẫn chưa có hướng dẫn tỉ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền các cấp để có cơ sở thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước những thay đổi của xu thế chung, thiết nghĩ cần phải có những điều chỉnh hợp lý về chính sách cử học sinh đồng bào các DTTS đi học theo hệ cử tuyển. Bởi, nếu cứ để nguyên thì đến một thời điểm nào đó chính sách cử học sinh đồng bào các DTTS đi học theo hệ cử tuyển sẽ bị tác động của chính sách khác và lúc đó hiệu lực, hiệu quả thực hiện sẽ giảm đi.
Thu Thủy