Văn hóa - Giáo dục

Đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích cho các em học sinh

08:23, 21/10/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa “học mà chơi, chơi mà học” bổ ích, thú vị.

Hoạt động ngoại khóa vẽ tranh trên sản phẩm tre, nứa của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương
Hoạt động ngoại khóa vẽ tranh trên sản phẩm tre, nứa của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Lưu Kiền, huyện Tương Dương có 246 học sinh, hầu hết là người dân tộc H’Mông và Thái. Trong những năm qua, bên cạnh chú trọng công tác giảng dạy, học tập theo chương trình chính khóa, nhà trường còn lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học và thông qua các chương trình ngoại khóa (hoạt động văn hóa - nghệ thuật; hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao; hoạt động xã hội; khoa học kỹ thuật; lao động công ích…), giáo dục kỹ năng sống. Đó là dạy và truyền cảm hứng cho học sinh các kiến thức về: Kiến trúc nhà cửa, trang phục, ẩm thực truyền thống dân tộc H’Mông, Thái; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, nhạc cụ dân tộc...; tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Theo cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do tính chất ở miền núi, bố mẹ thường đi làm nương rẫy, ít quan tâm tới việc học của con cái, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng diễn ra nhiều. Bởi vậy, các thầy cô ở trường không chỉ dạy chữ mà còn đóng vai trò là phụ huynh để dạy các em làm người. Vì vậy, để các em học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy nội dung các tiết học chính khóa cũng như các chương trình ngoại khóa cho các em. Từ đó, các em được khám phá bản thân, biết được thế mạnh và thể hiện tài năng của mình trong các hoạt động. Đồng thời, học thêm được những gì gắn bó về tình yêu quê hương, bản làng, những điều thân thiết xung quanh.

Buổi học chương trình ngoại khóa vào giữa tháng 10/2019 ở Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn khi các bạn học sinh đang rất háo hức khi được tham gia cuộc thi vẽ tranh trên sản phẩm tre, nứa. Những thanh tre, nứa được các em học môn Công nghệ đan lát thành những sản phẩm đa dạng. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, qua bàn tay khéo léo của các em, những chiếc mẹt, rổ, rá, oi, xọt, ống tre làm từ tre, nứa đã trở thành những bức tranh sinh động về gia đình, bản làng, quê hương, biển đảo….

Chia sẻ về ý tưởng của hoạt động trên, cô Nhung cho biết thêm: Năm ngoái, trường đã tổ chức thành công cuộc thi vẽ tranh trên đá cho các em học sinh. Từ thành công ấy, năm nay, nhận thấy ở vùng này tre nứa rất nhiều, người dân ở đây cũng thường dùng tre, nứa để đan những dụng cụ như mẹt, rổ, rá, oi… phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, các em học sinh từ lớp 6 đã được học môn Công nghệ có phần đan lát. Không tốn kém vì có nguồn nguyên liệu có sẵn, trong tôi đã nảy sinh ý tưởng tổ chức cuộc thi vẽ tranh trên sản phẩm tre, nứa cho các em học sinh. Tuy vẽ ở mẹt, rổ, rá, oi, ống tre, xọt… rất khó vì trơn song bằng các dụng cụ như sơn màu, bút các em đã rất tự tin, thể hiện năng khiếu sáng tạo và đã tạo ra được những sản phẩm độc đáo, sáng tạo, sinh động vượt quá kỳ vọng của thầy cô. Hiện, các tác phẩm hội họa đặc biệt của các em đang được giữ gìn và trưng bày trong trường.

Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền là một trong những điển hình trong việc đổi mới, đa dạng các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh. Việc chú trọng nội dung các hoạt động ngoại khóa trong trường học giúp các em học sinh có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày học tập ở trường (vì đa số các em đều ở bán trú tại trường). Đồng thời, vừa tạo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh, giáo dục các em về tình yêu, niềm tự hào về bản sắc bản làng, quê hương, dân tộc, xây dựng môi trường học tập thân thiện.

Có thể nói, việc đổi mới, đa dạng, phong phú các hoạt động trong chương trình ngoại khóa cho học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh, vừa giúp các em giảm áp lực, tạo niềm vui, hứng thú, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh, nâng cao thể lực, rèn luyện kỹ năng giảm tình trạng bỏ học giữa chừng. Từ việc tổ chức tham quan dã ngoại, đến các địa điểm di tích lịch sử, giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến những hoạt động lồng ghép cho các em học sinh các giá trị văn hóa truyền thống, để các em hiểu thêm và trân trọng, giữ gìn hơn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Thu Thủy

Các tin khác