Văn hóa - Giáo dục

Nghệ Tĩnh 'đỏ' - Sáng mãi một niềm tin

09:10, 12/09/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 12/9, cách đây tròn 89 năm, đất nước ta chìm trong đêm trường nô lệ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hào khí Xô Viết mãi mãi trường tồn trong người dân xứ Nghệ, là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nghệ Tĩnh xứng đáng với danh hiệu “đỏ”.

Những ngày này, rất nhiều đoàn khách đến tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Những ngày này, rất nhiều đoàn khách đến tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cách đây 89 năm, với khí thế tiến công mạnh mẽ, nhân dân ta đã làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nói đến Nghệ Tĩnh là nhớ tới vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Nghệ Tĩnh phát triển thành đỉnh cao - đó là cao trào cách mạng 1930 - 1931. Bắt đầu tháng 9/1930, phong trào đấu tranh có bước phát triển mới với quy mô lớn nổ ra. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 12/9 của hơn 2 vạn nông dân huyện Hưng Nguyên kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách. Trước khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng, thực dân Pháp đã đàn áp dã man, thảm khốc. Chúng dùng máy bay ném bom làm chết 217 người và 125 người bị thương. Từ đó, ngày 12/9 hàng năm được lấy làm ngày tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, về huyện Hưng Nguyên, nơi khởi đầu cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta dễ cảm nhận được không khí thiêng liêng, hào hùng của dân tộc. Trên các tuyến đường, băng rôn, cờ rực đỏ thể hiện tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9 bất diệt. Đền Xuân Hòa, xã Hưng Long, ngôi đền có lịch sử hơn 300 tuổi từng là cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi gặp gỡ hội họp, in ấn tài liệu của các chiến sỹ cách mạng trong những năm 1930 - 1931. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, 3 giờ sáng, từ đền Xuân Hòa, nhân dân đã tập kết mang theo gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ búa liềm rầm rộ kéo thẳng ra ga Xuân Yên bắt trói trưởng ga, cắt đứt dây điện thoại của địch, rồi tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên đòi yêu sách bỏ sưu, giảm thuế, trả ruộng đất cho dân cày… Hôm nay, về với di tích này, đã khơi dậy cho thế hệ trẻ chúng tôi lòng yêu nước, giáo dục truyền thống quê hương, để rồi tự hứa phải cố gắng phấn đấu rèn luyện bản thân mình.

Những ngày này, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tại TP Vinh đón nhiều đoàn khách đến tham quan. Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh, sáng 10/9, Bảo tàng tổ chức cắt băng khai mạc trưng bày bộ chuyên đề “Nghệ Tĩnh đỏ - Sáng mãi một niềm tin” với 2 chủ đề: “Tôi luyện trong lửa đỏ” và “Sáng mãi niềm tin”. Trưng bày chuyên đề sẽ diễn ra từ ngày 10/9 đến 31/12/2019, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh liên quan đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đến với cuộc trưng bày này, thông qua những hình ảnh, người dân sẽ hiểu hơn về những năm tháng mà cha ông ta đã đổ bao xương máu để có được ngày hôm nay. Đó là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến Nam triều đã tiến hành chính sách khủng bố hết sức dã man hòng dập tắt phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh. Chúng đã lập ra hàng loạt nhà tù từ Bắc đến Nam… Dù ở vị trí, quy mô, hình thức và số lượng tù nhân khác nhau nhưng các nhà lao, nhà đày do chính quyền thực dân dựng lên đều có chung thủ đoạn trắng trợn, tinh vi, nham hiểm phục vụ âm mưu giam cầm, đàn áp, khủng bố, đày ải và thủ tiêu các chiến sỹ cách mạng cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nhiên, những âm mưu, thủ đoạn đó không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Những tên tuổi của những người con ưu tú như: Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Hồ Tùng Mậu… mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử và trở thành tượng đài bất khuất của quê hương Nghệ Tĩnh.

Ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ cho độc lập, tự do của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nhân dân ta đời đời nhớ ơn công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta”.

Bên cạnh tổ chức trưng bày tại chỗ, hàng năm, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh còn phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc trưng bày lưu động về Xô Viết Nghệ Tĩnh, tổ chức đối thoại với nhân chứng lịch sử, nghe nói chuyện chuyên đề, chiếu phim Xô Viết Nghệ Tĩnh… Từ đầu năm đến nay, có 20.000 lượt người tham quan tại chỗ, ngoài ra có khoảng 600.000 lượt khách tham quan lưu động, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, vào năm 2017, đưa Bảo tàng trở thành một trong những điểm du lịch của tỉnh, thì đã có rất nhiều đoàn, tour du lịch đến tham quan. Vừa qua, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 10 đoàn hành hương về với xứ Nghệ, tham quan Bảo tàng Xô Viết. Qua đó, cho thấy được sự kết nối giữa cực Bắc với cực Nam của Tổ quốc.

Nhằm tri ân các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Đảng, Nhà nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng luôn đặc biệt quan tâm tới công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sỹ cùng những gia đình người có công với cách mạng…

89 năm trôi qua, nhưng tinh thần, hào khí của Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn bất diệt. Tiếp nối hào khí Xô Viết anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phan Tuyết

Các tin khác