Chủ Nhật, 18/08/2019, 07:38 [GMT+7]

Tái diễn tình trạng nâng điểm chuẩn để 'đánh trượt' thí sinh

Trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2019, việc trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sư phạm tại địa phương cố tình nâng điêm chuẩn để “đánh trượt” thí sinh lại tiếp tục diễn ra.
 
Trước đó, mùa tuyển sinh năm 2018, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng đã dùng hình thức này để đánh trượt thí sinh do ngành Sư phạm Ngữ văn của trường chỉ có duy nhất một thí sinh trúng tuyển. Không đủ số lượng sinh viên để mở lớp, trường đã chọn cách này, trong khi theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn có cách xử lý tốt hơn nhưng đáng tiếc là các trường lại không lựa chọn.
 
Theo phản ánh của thí sinh Nguyễn Minh Quân (19 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai), trong đợt xét tuyển ĐH đợt 1, Minh Quân đã đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (NV1), Trường ĐH Sài Gòn (NV2) và Trường ĐH Đồng Nai (NV3).
 
Khi biết mình được 22,3 điểm, Quân nghĩ chắc chắn mình sẽ đỗ nguyện vọng 3 vào Trường ĐH Đồng Nai do mọi năm, ngành này lấy điểm khá thấp, vì thế không đăng ký bổ sung thêm nguyện vọng nào khác. Nhưng khi trường công bố điểm chuẩn trên 24 điểm, Q. mới biết mình không đỗ nguyện vọng nào. Đáng nói là Trường ĐH Đồng Nai cố tình lấy điểm chuẩn thật cao để Quân và các bạn khác không ai đỗ được vào ngành này.
Nhiều trường sư phạm địa phương đang gặp khó khăn do không có người học. Ảnh minh họa.
Nhiều trường sư phạm địa phương đang gặp khó khăn do không có người học. Ảnh minh họa.
Theo lý giải của lãnh đạo Trường ĐH Đồng Nai, trong các lần lọc ảo tại phần mềm của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành đào tạo như Sư phạm Vật lý của trường chỉ ở mức sàn là 18 điểm. Sau khi tiến hành lọc ảo chỉ có 3 sinh viên trúng tuyển và không đủ điều kiện mở lớp.
 
Vì thế, nhà trường buộc phải nâng lên 24,7 điểm để các em này trúng tuyển nguyện vọng khác, có cơ hội học ĐH khác. Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết, dù đã tính các phương án khác như nhận thí sinh rồi chuyển sang trường có đào tạo sư phạm ngành Vật lý và đã liên hệ nhưng không trường nào đồng ý. Bởi lẽ, các trường đều có quy định nếu muốn chuyển, các em đó phải học ít nhất một học kỳ hay một năm. Trong khi đó, do nhà trường không đủ số lượng học sinh để mở lớp nên không đáp ứng được  yêu cầu này.
 
Mặc dù thông cảm với khó khăn của nhà trường, song dư luận xã hội tỏ ra không đồng tình với cách giải quyết như trên. GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Xét ở góc độ tự chủ, các trường có quyền không mở lớp. Nếu chỉ 1-2 thí sinh trúng tuyển thì họ không thể mở lớp được, đó là điều hiển nhiên và bình thường.
 
Các trường ĐH cũng có mức độ tự chủ nên họ có thể quyết định mở ngành và không mở ngành. Khi mà thí sinh ít quá thì họ không thể mở ngành. Vì thế, việc một số trường ĐH đẩy điểm chuẩn đầu vào lên cao để không có thí sinh nào trúng tuyển cũng là một cách làm của họ. Nếu xét về mặt căn cứ pháp lý thì nhà trường không vi phạm. Tuy nhiên, xét ở góc độ tâm lý xã hội thì không ổn.
 
“Nếu vì lý do quá ít thí sinh, không thể mở lớp thì nhà trường cần nói rõ để các em thông cảm. Cùng với đó phải tìm giải pháp tháo gỡ. Những năm trước đây, có trường ĐH giải quyết rất nhân văn. Họ thẳng thắn nói ra thực trạng tuyển sinh để thí sinh cảm thông và chuyển sang ngành đào tạo khác của trường. Cũng có trường ĐH thương lượng với các trường khác để cùng đào tạo. Cách làm này sẽ hợp tình, hợp lý hơn, vì vừa đảm bảo được quyền lợi của thí sinh, vừa tránh cho thí sinh những tổn thương không đáng có”, GS Lâm Quang Thiệp nói.
 
GS-TS Phạm Tất Dong -Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: Từ câu chuyện một số trường sư phạm địa phương cố tình đánh trượt thí sinh do không có người học cho thấy, mục tiêu thu hút người giỏi vào ngành sư phạm vẫn chưa thành công.
 
Việc này liên quan đến nhiều yếu tố từ chính sách đãi ngộ chưa tốt, cơ hội việc làm sau khi ra trường chưa nhiều, cũng như những áp lực của nghề giáo… khiến nhiều học sinh vẫn chưa thực mặn mà với sư phạm. Tuy vậy, dù thực trạng tuyển sinh của các trường sư phạm ở địa phương có ảm đạm, có buồn thế nào, thì việc nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh là việc làm khó chấp nhận. Đây là cách ứng xử thiếu nhân văn.
 
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong bối cảnh các trường được tự chủ tuyển sinh và thí sinh tự do đăng ký xét tuyển, không giới hạn nguyện vọng thì cách làm của trường không vi phạm quy định cụ thể nào của quy chế tuyển sinh. Tuy vậy, bà Phụng cũng lưu ý, trong trường hợp này, nhà trường nên tính đến nguyện vọng của thí sinh, nhất là khi các thí sinh đã lựa chọn trường mình để đăng ký xét tuyển.
 
“Thực tế vẫn có những cách xử lý tốt hơn như chúng tôi đã từng khuyến nghị, hướng dẫn thực hiện thời gian qua. Sau khi có thông tin về đăng ký xét tuyển ban đầu, nếu trường thấy có khả năng không đủ điều kiện mở lớp thì cần thông tin đầy đủ cho các em trước hoặc trong thời gian thay đổi nguyện vọng hoặc báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất và hỗ trợ cách giải quyết hoặc thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi thông tin với các thí sinh về khả năng, điều kiện của trường và các phương án mà thí sinh có thể lựa chọn… nhưng rất tiếc là một số trường đã không thực hiện” - bà Phụng cho biết.
 
Cũng theo bà Phụng, với trường hợp của thí sinh ĐH Đồng Nai hoặc các trường hợp tương tự, Bộ GD&ĐT có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh đến những trường đang đào tạo ngành đăng ký học mà thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh lựa chọn và có đơn đề nghị gửi Bộ và gửi trường xin được xét tuyển.
 
Được biết, ngay trong ngày 15-8, thí sinh Nguyễn Minh Quân đã quyết định chuyển nguyện vọng sang ngành Sư phạm Vật lý của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiện Quân đang hoàn tất những thủ tục cần thiết như gửi đơn cho Bộ GD&ĐT và ĐH Sư phạm Hà Nội để có thể thực hiện nguyện vọng của mình.
.

Nguồn: CAND

.