Văn hóa - Giáo dục
Nỗ lực đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới 2019 - 2020
08:20, 13/08/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Năm học mới đang đến gần, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục, các địa phương đang tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng, tu sửa trường lớp nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, phục vụ tốt công tác dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất
Để tạo thuận lợi cho con em vùng sâu, vùng xa theo học, từ tháng 7/2018, Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (trước đây là Trường THCS Lưu Kiền), được chuyển đổi thành bán trú. Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 260 học sinh chủ yếu là con em của đồng bào các dân tộc Mông, Thái theo học, trong đó, có 2/3 học sinh nhà ở xa trường từ 6 - 15 km. Khoảng 2 năm nay, do cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nên trước năm học mới gần 1 tháng, nhà trường và phụ huynh cùng nhau đóng góp để làm nhà ký túc cho con em mình ở, đảm bảo việc học tập.
Tất cả các phụ huynh có con ở nội trú tại trường và các giáo viên trong trường đều tham gia hào hứng, nhiệt tình. Mỗi người một việc, người dọn dẹp, làm thưng phên, người làm liếp giường, chẻ lạt, đan tranh, lợp mái nhà… Trong 5 ngày (từ ngày 5 - 10/8), 3 căn nhà cũ đã được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và 1 căn nhà sàn mét được làm mới.
Phụ huynh và giáo viên Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhà bán trú cho học sinh |
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trước thềm năm học mới, huyện Diễn Châu đã tiến hành khảo sát, lập kế hoạch, chỉnh trang, tu sửa phòng học, tường rào, bàn ghế...; đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tu sửa nhỏ trong điều kiện cho phép... Toàn huyện có 168 phòng học được tu sửa và xây dựng mới. Cơ bản các trường đều đáp ứng đủ phòng học trước khi bước vào năm học mới.
Năm học mới này, thầy trò và phụ huynh Trường Tiểu học Mường Ải (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn) đón niềm vui khi công trình nhà công vụ dành cho giáo viên đã được hoàn thành với giá trị hơn 700 triệu đồng. Đây là chương trình do Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Công đoàn Giáo dục Nghệ An cùng phối hợp tổ chức thực hiện. Trước đó, vào tháng 8/2018, chịu hậu quả của 2 cơn lũ quét liên tiếp xảy ra, Trường Tiểu học Mường Ải bị thiệt hại nặng nề, nhất là dãy nhà công vụ dành cho giáo viên của trường đã bị lũ cuốn hoàn toàn.
Vẫn còn nhiều phòng học tạm, phòng học mượn
Mặc dù, trong thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự nỗ lực của ngành Giáo dục, trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều phòng học mới được xây dựng, nâng cấp, cải tạo, được tu sửa, xây dựng mới, song vẫn còn nhiều lớp học tạm, học mượn. Theo thống kê, trên toàn tỉnh còn 1.255 phòng học tạm, mượn và hơn 5.000 phòng học bán kiên cố, trong đó nhiều phòng học đã hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư mới để thay thế.
Trước thềm năm học mới, huyện Kỳ Sơn được ngành Giáo dục hỗ trợ 14 tỉ đồng để tu sửa cơ sở vật chất. Tuy nhiên, địa bàn trải dài, điều kiện vận chuyển khó khăn, nên không có trường nào được xây mới mà chủ yếu vẫn là sửa chữa nhỏ. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang còn hơn 40 phòng học tạm, mượn và hàng trăm phòng học khác đã xuống cấp, hư hỏng nặng như Trường THCS Mỹ Lý 2, dãy phòng học của Trường Mầm non Mường Típ…
Tại huyện Tương Dương, do điều kiện còn nhiều khó khăn, trên địa bàn huyện năm học mới 2019 - 2020 còn 13 phòng học tạm bợ, chủ yếu ở các xã khó khăn như Mai Sơn, Hữu Khuông… Ở huyện Quế Phong, trong năm nay đã có 40 phòng học được tu sửa, xây dựng mới, trong đó có 19 phòng đang hoàn thiện với tổng mức đầu tư trên 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên toàn huyện vẫn còn hơn 41 phòng học tạm bợ, mượn.
Hay tại TX Hoàng Mai trong 5 năm vừa qua, toàn thị xã đã đầu tư xây dựng được 297 phòng học với tổng kinh phí đầu tư hơn 260 tỉ đồng (chiếm 31% tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã) nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bởi, do dân số tăng nhanh, nhu cầu trẻ đến lớp ngày càng cao. Hiện, toàn thị xã vẫn còn 91 phòng học tạm và mượn, 21 phòng thuê. Trong đó, Trường THPT Hoàng Mai 2 hiện vẫn đang phải đi mượn địa điểm dạy và học.
Được biết, để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, tháng 5/2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 5 năm tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 3.285 phòng học, 5.730 phòng chức năng, thực hành thí nghiệm và 1.528 phòng học cho các lớp tăng thêm với tổng kinh phí hơn 8.000 tỉ đồng.
Việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học cũng như nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện. Đây cũng là yếu tố quan trọng để ngành Giáo dục tỉnh nhà gặt hái được nhiều thành công trong năm học mới 2019 - 2020.
THU THỦY