Chuyến hành trình về ‘miền cát trắng gió Lào’ Quảng Bình những ngày cuối tháng 7 đã để lại những ấn tượng xúc động mạnh mẽ trong mỗi thành viên đoàn công tác, nhất là khi được thăm lại quê nhà và nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đoàn công tác dâng hương tại phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. - Ảnh: VGP |
‘Ngọn núi lửa phủ tuyết’ ở Vũng Chùa
Đoàn công tác đã được về thăm nơi sinh thành của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy và viếng phần mộ Đại tướng tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Những ngày này, dù nắng hay mưa, cả mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” tại quê nhà và nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn hàng ngày đón hàng trăm, hàng nghìn lượt du khách. Họ đến đến đây với chung một tâm nguyện, là tận tay thắp những nén hương thơm để tỏ lòng thành kính với vị tướng tài ba “văn võ song toàn” đã trở thành huyền thoại.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu, “Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”, lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói như vậy. Con người đã cùng hàng chục triệu người dân, dưới ngọn cờ của Đảng và Bác, đi qua cuộc trường chinh suốt thế kỷ XX để đem lại độc lập, tự do và phẩm giá cho đất nước, cho dân tộc, cho mỗi người, nay về nằm trong lòng đất mẹ, bên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bình yên trải dài một màu xanh biếc.
Hòa chung với dòng người thành kính trong chuyến hành hương về với vùng đất thiêng, các thành viên trong đoàn hiểu hơn về tình cảm mà mảnh đất và con người nơi đây dành cho Đại tướng, vừa thiêng liêng, trân trọng, vừa chân thành, sâu lắng khó nói hết thành lời. Hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của Đại tướng, về những gì đã hun đúc nên tài năng, nhân cách, tấm lòng với dân với nước của ông.
Ai đó trong đoàn nhắc đến câu nói "ngọn núi lửa phủ đầy tuyết" mà một học giả người Pháp dành cho vị danh tướng nhận được sự kính trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới, kể cả phương Tây. Vị danh tướng giờ đây yên giấc nghìn thu dưới nấm mộ đơn sơ, giữa tiếng thông reo trên đồi, tiếng sóng biển phía xa xa như muôn đời ngợi ca một vĩ nhân.
Trong sổ lưu niệm tại ngôi nhà của gia đình Đại tướng, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, viết: Tập thể cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ rất xúc động được về thăm ngôi nhà xưa – nơi Đại tướng sinh thành. Đoàn công tác thành kính tưởng nhớ và vô cùng biết ơn công lao to lớn của vị Đại tướng văn võ song toàn, thành kính dâng nén tâm nhang cầu mong Đại tướng phù hộ cho quốc thái dân an, mọi người, mọi nhà no ấm, hạnh phúc.
Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Sở. - Ảnh: VGP |
Góp phần nhỏ tri ân các anh hùng, liệt sĩ
Đoàn cũng tới thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Sở, năm nay 97 tuổi, tại thôn Tân Hòa, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy và Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Rè (99 tuổi), trú ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy. Tại trụ sở Công ty Xăng dầu Quảng Bình, đoàn đã tổ chức buổi gặp mặt, trao quà cho 30 gia đình chính sách, thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn với trị giá gần 100 triệu đồng.
Qua các cuộc gặp mặt, thăm hỏi, các thành viên trong đoàn được hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng của Quảng Bình – mảnh đất không chỉ có những kiệt tác tuyệt đẹp của thiên nhiên như những hang động đẹp hàng đầu thế giới, mà còn có “gió Lào cát trắng” đã đi vào thơ ca như một biểu tượng của quyết tâm, ý chí con người vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và những gian lao của lịch sử.
Với vị trí địa chiến lược, mảnh đất này chứng kiến nhiều biến cố thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời gánh chịu nhiều đau thương, mất mát, hy sinh. Cũng hoàn cảnh ấy đã tôi luyện cho con người nơi đây tinh thần yêu nước, yêu quê hương nồng nàn; anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Đoàn công tác gặp mặt, trao quà cho các gia đình chính sách, thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn. - Ảnh: VGP |
Nhưng chiến tranh cũng đã để lại những tổn thất, đau thương, mất mát lớn lao với đất và người nơi đây. Tỉnh Quảng Bình có khoảng 150 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, gần 15 nghìn liệt sĩ, 1.200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 100 nghìn người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, hơn 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, 20 nghìn thương binh, bệnh binh.
Tại các buổi gặp mặt các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình chính sách, các thành viên đoàn công tác bày tỏ, tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự mất mát của các thương binh, bệnh binh, sự đau thương của thân nhân liệt sĩ, những người ảnh hưởng di chứng chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn biết bao vết thương chưa lành.
Với tình cảm và trách nhiệm của mình, đoàn công tác mong muốn góp một phần nhỏ để cùng các thế hệ hôm nay thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công với cách mạng, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” để góp phần chia sẻ, giảm bớt những mất mát, đau thương và giáo dục những thế hệ tương lai về tình yêu đất nước, quê hương.
.