Thứ Năm, 04/07/2019, 08:47 [GMT+7]

Siết chặt quản lý du học sinh bỏ trốn

(Congannghean.vn)-Hiện nay, du học đang là một phương án được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn, đặc biệt là những học sinh mới tốt nghiệp THPT. Song vì nhiều lý do khác nhau, nhiều du học sinh thay vì đi du học lại lựa chọn trốn ra ngoài để đi làm thêm kiếm tiền. Điều này sẽ gây ra rất nhiều hậu quả.

Học sinh THPT tìm hiểu thông tin du học tại chương trình hướng nghiệp
Học sinh THPT tìm hiểu thông tin du học tại chương trình hướng nghiệp

Mới đây, tại Nhật Bản, hãng tin NHK đưa tin, Trường Đại học Phúc Lợi Xã hội Tokyo có trụ sở tại phường Kiata vừa ra thông báo 700 sinh viên du học trường này mất tích, bỏ trốn từ tháng 4/2018. Trong số này, có rất nhiều du học sinh đến từ Việt Nam. Trước sự việc này, chính phủ Nhật Bản sẽ siết chặt các quy định đối với tuyển sinh sinh viên nước ngoài nhằm tránh những rủi ro.

Không chỉ ở Nhật Bản, Hàn Quốc đang được xem là một “thiên đường” thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam. Thực tế, thị trường du học Hàn Quốc là một thị trường có tiềm năng. Bên cạnh đó, chính sách của Hàn Quốc tiếp nhận du học sinh Việt Nam khá dễ. Hiện nay, 80% du học sinh đều đi theo diện visa thẳng (không qua phỏng vấn). Tuy nhiên, thuận lợi này lại vô hình trung tạo ra những khó khăn, đó là du học sinh bỏ trốn, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của công ty môi giới cũng như uy tín, tâm lý học sinh ở lại và xa hơn là tác động xấu đến thị trường xuất khẩu lao động.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mỗi năm có gần 1.300 học sinh đi du học và 80% là ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. “Nếu để xảy ra học sinh bỏ trốn thì các công ty Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và họ sẵn sàng chấm dứt hợp đồng với chúng tôi”, Giám đốc một Công ty du học trên địa bàn TP Vinh cho biết.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc du học sinh bỏ trốn. Một thực tế, có nhiều bạn trẻ Việt Nam khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc đều cảm thấy choáng ngợp với những khó khăn khi đi du học. Theo chính phủ Nhật Bản, phải 3 tháng sau khi qua Nhật thì các du học sinh mới được đi làm thêm. Những người có visa du học, đang học tại các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục tương đương chỉ có thể làm thêm tối đa 28 giờ một tuần. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ cùng giờ làm thêm hạn chế đã khiến cho nhiều du học sinh mệt mỏi, họ quyết định trở thành du học sinh bỏ trốn để đi làm thêm kiếm tiền.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản do bà Taraka Mizuko, Bí thư thứ 2 phụ trách về giáo dục đã làm việc với tỉnh Nghệ An. Tại buổi làm việc, bà đã nêu lên thực trạng lưu học sinh Việt Nam lưu trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật tại Nhật Bản, trong đó có lưu học sinh tại Nghệ An. Đồng thời, bà đề nghị cần định hướng, chỉ đạo các công ty du học trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin chính xác, không quảng cáo sai lệch hình thức du học “vừa học vừa làm” khiến học sinh, sinh viên sử dụng hình thức du học với mục đích kiếm tiền.

Thời gian qua, với vai trò nòng cốt, Sở GD&ĐT Nghệ An tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho những học sinh khá giỏi nâng cao ngoại ngữ để đi du học có học bổng. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra các tổ chức kinh doanh dịch vụ du học, đảm bảo có tổ chức, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đình chỉ hoạt động của các đơn vị vi phạm theo quy định…

Tuy nhiên, trước mắt để quản lý du học sinh bỏ trốn, các sở, ban, ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ ra những hậu quả, rủi ro mà các em phải gánh chịu khi bỏ học ra ngoài. Hiện, để hạn chế du học sinh bỏ học, các công ty cũng yêu cầu trong 6 tháng đầu tiên, học sinh phải ở ký túc xá để dễ quản lý và không bị “lôi kéo” ra ngoài làm thêm. Bên cạnh đó, tư vấn kỹ cho gia đình học sinh và đưa ra những định hướng cho các em lựa chọn ngôi trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Đặc biệt, do gặp khó khăn trong quá trình quản lý nên giải pháp thiết thực nhất mà các công ty du học thực hiện là tìm hiểu kỹ lý lịch đối tượng có nhu cầu học, đặc biệt là đối với những gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài, đề phòng trường hợp du học sinh bị lôi kéo…

.

Gia Khánh

.