Những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin về việc “Nữ hoàng Văn hoá tâm linh” Việt Nam Phạm Nữ Hiền Ngân được bầu làm Phó trưởng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam.
Công chúng tò mò về danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”, không biết tổ chức nào đã trao danh hiệu đó cho người phụ nữ có tên Hiền Ngân. Câu chuyện này thêm một ví dụ có phần nực cười về xu hướng loạn danh hiệu trong thời gian qua. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần vào cuộc để chấn chỉnh cách trao danh hiệu vô tội vạ của một số tổ chức, cá nhân nhằm mục đích trục lợi, kiếm tiền, làm nhiễu loạn đời sống văn hóa.
Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vào cuộc
Được biết, danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”được Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh trao cho cô Phạm Nữ Hiền Ngân.
Trước đó, cũng chính Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam cùng Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh là đơn vị trao các danh hiệu “nữ hoàng” khác như “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam về lĩnh vực tài nguyên môi trường”, “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam ngành thực phẩm”, “Nữ hoàng trang sức Việt Nam”... Như vậy có thể hiểu, Trung ương Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam và Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh hiện đang nắm bản quyền của khá nhiều cuộc thi tạo “nữ hoàng”.
Công ty xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh cũng chính là đơn vị tổ chức cuộc thi chung kết Nữ hoàng thương hiệu Việt 2019 được tổ chức họp báo rầm rộ vừa qua và theo thông tin sẽ diễn ra từ 18 - 22 giờ ngày 13-7 tới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình này được quảng bá là tìm kiếm và trao giải cho người xứng đáng giành ngôi vị “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”.
Tuy nhiên, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Sở chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức, chứ không phải cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu”.
Theo Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi về hoạt động biểu diễn, tổ chức nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi xin giấy phép ở đâu, sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó. Vì vậy, Hà Nội không thể tiếp nhận cho phép tổ chức chung kết cuộc thi nếu đơn vị tổ chức xin phép ở địa phương khác.
“Nữ hoàng văn hóa tâm linh” Phạm Nữ Hiền Ngân. |
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, đây chỉ là chương trình biểu diễn nghệ thuật, Ban tổ chức không được phép tổ chức các màn thi và trao giải các danh hiệu.
Cũng liên quan đến cuộc thi do Công ty Xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức vào ngày 13-7 sắp tới, Báo Điện tử Dân trí đã chính thức lên tiếng về việc Báo “chưa bao giờ ký hợp đồng bảo trợ truyền thông cho cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” và cũng không cho phép cuộc thi tự tiện lấy logo của báo để đăng tải dù với mục đích gì.
Trước đó, trên băng rôn/banner quảng bá của cuộc thi này có đăng tải logo của nhiều cơ quan báo đài lớn bảo trợ truyền thông, trong đó có báo Dân trí. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đã khẳng định sẽ cho thanh tra vào cuộc để trả lời sớm nhất dư luận về việc có hay không một cuộc thi trao danh hiệu đươc trá hình một chương trình biểu diễn nghệ thuật, cũng như tự tiện đưa tên các đơn vị báo chí vào hạng mục bảo trợ truyền thông khi chưa được phép của các đơn vị này.
Đây không phải lần đầu tiên công chúng bị làm phiền bởi sự nhập nhèm trong các cuộc thi trao danh hiệu. Thực tế trong mấy năm gần đây, nở rộ các cuộc thi hoa hậu, nữ hoàng. Đây phần lớn đều là các cuộc thi do một công ty nào đó đứng ra tổ chức, nhưng danh hiệu thì rất “chuông khánh”: “nam vương”, “nữ hoàng”, “hoa hậu”.
Việc trao giải diễn ra khá tùy tiện, đến mức như cuộc thi “Nữ hoàng người mẫu doanh nhân đất Việt” do một hãng truyền thông tổ chức chỉ 31 thí sinh tham gia nhưng có tới 20 hạng mục giải thưởng phụ ngoài các ngôi vị như nữ hoàng, á hoàng 1,2,3. Kiểu như ai đến tham gia cũng gần như chắc chắn có một giải nào đó, đi kèm giải là danh hiệu.
Để rồi sau đó, trong rất nhiều sự kiện, chủ nhân của doanh hiệu sẽ nghiễm nhiên sử dụng danh hiệu nữ hoàng, á hoàng của mình nhằm “đánh lận con đen”, khiến cho không ít người hiểu rằng người đẹp đó có vị trí ngang với các hoa hậu, người mẫu trong các cuộc thi tầm cỡ quốc gia.
Một số chuyên gia trong showbiz đánh giá, đây là “chiêu” thông thường tăng điểm mà nhiều người đẹp sử dụng khi muốn tiến sâu vào thị trường giải trí. Phải có một danh hiệu thì sẽ dễ được mời đến các sự kiện, được chọn vào các vị trí và dễ kiếm tiền.
Quay trở lại câu chuyện “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” Phạm Nữ Hiền Ngân. Khi mới “đăng quang”, cô được ca ngợi với hàng loạt các thành tích như sau: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng; danh hiệu trái tim vàng vì cộng đồng; được hãng phim Mỹ (không rõ hãng phim nào của Mỹ) bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá Hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới. Và cũng chính bởi danh hiệu nữ hoàng, cô được chọn làm Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam của Viện Công nghệ chống làm giả.
Nhưng cũng cần phải nói thêm, phải đến khi cô Hiền Ngân đứng vào vị trí Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, hay làm khách mời danh dự trong cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu” đang bị dư luận săm soi về sự nhập nhèm cần được thanh tra kia thì công chúng mới tò mò tự hỏi, ngôi vị “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” là gì và nó được trao để nhằm mục đích gì?
Cần dẹp bớt các cuộc thi trao danh hiệu vô bổ
Cần xiết lại việc cấp phép thi người đẹp, đảm bảo các cuộc thi nhan sắc phải mang ý nghĩa văn hóa thực sự (Ảnh minh họa). |
Phải thừa nhận một điều rằng, đang có xu hướng bùng nổ các cuộc thi liên quan đến người đẹp, nhan sắc, dành cho mọi giới, mọi lứa tuổi, từ tuổi teen đến quý bà, từ người thường đến doanh nhân. Các cuộc thi này có cách tổ chức na ná nhau, trao vương miện với danh hiệu bằng những danh xưng rất kêu, khiến cho công chúng lo ngại về sự loạn danh hiệu.
Thực tế, một công ty xuất nhập khẩu ôtô cũng đã sở hữu 4 đến 5 cuộc thi trao danh hiệu, toàn liên quan đến “nữ hoàng” như: “Nữ hoàng tâm linh”, “nữ hoàng thực phẩm”, “nữ hoàng ngành thép”, “nữ hoàng dịch vụ nhà hàng”... Rồi thi hoa hậu cũng loạn, từ hoa hậu đại dương đến hoa hậu hòa bình, hoa hậu sắc đẹp hoàn mỹ toàn cầu...
Trong khi đó, các cuộc thi người đẹp tầm cỡ quốc gia, theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi năm chỉ có 2 cuộc được tổ chức, nghĩa là chỉ có 2 người đẹp được đăng quang ngôi vị hoa hậu. Trên thực tế thì danh hiệu hoa hậu, nữ hoàng, hoa khôi đang tràn ngập, đến mức người ta thấy trong một vài sự kiện, người đẹp mang vương miện ngồi kín cả khán phòng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên từng phát biểu tại một cuộc hội thảo liên quan đến thi nhan sắc Việt, rằng hiện nay có nhiều công ty đứng ra tổ chức các cuộc thi người đẹp nhằm mục đích thương mại, kiếm tiền là chính, chứ không chú ý vào mục đích tôn vinh cái đẹp. Điều này đã dẫn đến các cuộc thi nhan sắc vàng thau lẫn lộn, trao giải tùy tiện, loạn danh hiệu.
Lý giải của một số “ông trùm” hoạt động lâu năm trong giới truyền thông, việc tổ chức thi sắc đẹp hiện nay có khả năng "thắng lớn" so với làm gameshow truyền hình, phim truyện dài tập, phim điện ảnh, liveshow ca nhạc. Vì vậy không ít cuộc thi sắc đẹp là do các công ty truyền thông tự đứng ra tổ chức để thu phí của thí sinh. Nhiều cuộc thi thậm chí chỉ tổ chức ngầm trong giới nhưng vẫn rầm rộ phong các chức danh như hoa khôi, á khôi...
Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh được cho là đã phẫu thuật thẩm mỹ và sau đó bị thu hồi danh hiệu. |
Ngoài giải thưởng, danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, người đẹp đem lại cơ hội bước vào giới showbiz cho một số người đẹp. Nhiều người sau khi đăng quang đã nhanh chóng "đổi đời", trở thành người nổi tiếng, được đóng phim, làm người mẫu, dự các sự kiện giải trí hoành tráng. Nhu cầu muốn được thi nhan sắc của các quý cô và cả quý bà đang trở thành miếng mồi béo bở để một số công ty nhanh nhạy tổ chức các cuộc thi.
Từ thực tế này đã đến lúc ngành văn hóa, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ráo riết hơn để siết lại chặt chẽ việc cấp phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc. Phải có những điều khoản cụ thể rõ ràng đối với các đơn vị tổ chức cuộc thi trao danh hiệu, không nên để lộn xộn, nhập nhèm, đơn vị nào cũng có thể làm được như hiện nay.
Các cuộc thi người đẹp cần được phân cấp rõ ràng, đâu là cuộc thi cấp quốc gia, đâu là cuộc thi mang tính địa phương hay ngành nghề, vùng miền và phải được ghi rõ trong quá trình cũng cấp thông tin trên truyền thông, tránh lập lờ đánh lận, bát nháo như hiện nay. Việc xử phạt nghiêm minh đối với các đơn vị tổ chức thi thiếu chuyên nghiệp, trục lợi kiếm tiền, không vì mục tiêu tôn vinh văn hóa, tôn vinh cái đẹp là cần thiết.
.