Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa công bố kết quả cho thấy có đến 70% số bài thi môn Lịch sử dưới điểm 5. Những con số cấp báo này đặt ra cho chúng ta việc cần sớm phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học, để việc học và thi Sử được tốt hơn.
(Nguồn: tuoitre.vn) |
Bất ngờ này không chỉ xảy ra năm nay, bởi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Lịch sử cũng là môn thi có nhiều điểm thấp nhất trong 4 bài thi trắc nghiệm. Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh, gần 81% thí sinh có điểm dưới 5 môn Lịch sử; Đồng Nai, môn Lịch sử có tới 88,24% thí sinh dưới điểm trung bình, trong đó có tới 180 em bị điểm liệt.
Không chỉ đợi đến khi công bố điểm thi môn Lịch sử qua hai kỳ thi gần đây, mà sự thật về việc thiếu kiến thức hoặc không hiểu biết về lịch sử đã từng được cảnh báo nhiều năm trước. Hẳn dư luận vẫn còn nhớ chuyện cách đây mấy năm, qua cuộc khảo sát nhanh của Đài Truyền hình Việt Nam về kiến thức lịch sử ở một nhóm học sinh tại một địa bàn Hà Nội, kết quả cho thấy, không ít học sinh phổ thông không biết hoặc trả lời sai câu hỏi “Quang Trung – Nguyễn Huệ có quan hệ thế nào?”. Nhiều em còn cho rằng đó là quan hệ cha con, bạn chiến đấu, anh em.
Chúng ta biết rằng kiến thức lịch sử chủ yếu được trang bị ở chương trình phổ thông. Bởi thế, việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là những nền tảng kiến thức đi theo cả cuộc đời mỗi người.
Vì vậy, khắc phục tình trạng học sinh chán, ngại học môn Lịch sử phải được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đặt ra với ngành Giáo dục và Đào tạo, phải có nhiều đổi mới, tạo ra được hứng thú cho học sinh.
Trước hết là chương trình, hiện nay chương trình phổ thông dạy theo tiến trình từ cổ đại đến hiện đại, dẫn đến bất cập là học sinh cấp học dưới phải học lịch sử cổ đại, là kiến thức rất khó đối với các em, trong khi cuối chương trình phổ thông mới đến lịch sử hiện đại, gần gũi, dễ tiếp thu hơn cổ đại rất nhiều. Như vậy, chương trình cần đổi mới cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.
Thứ hai là phương pháp biên soạn sách giáo khoa và giảng dạy, thay vì “bồi bổ” nhiều kiến thức, buộc phải thuộc những ý nghĩa được ấn định một cách chủ quan, một chiều, nhà trường nên gợi mở cho học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tự đánh giá vấn đề. Giáo viên có định hướng nhưng nên tôn trọng quan điểm riêng của mỗi học sinh, khi các em có quan điểm riêng là các em đã ghi nhớ sâu sắc bài học.
Thứ ba, để tăng tính hấp dẫn cho môn học Lịch sử, nhà trường nên kết hợp bài học trên lớp với các chuyến đi dã ngoại, tham quan di tích lịch sử, tham quan bảo tàng… thay cho đọc chép như hiện nay.
Học lịch sử để hiểu quá khứ, so sánh với hiện tại và rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai. Tầm quan trọng đặc biệt của môn Lịch sử đã rất rõ ràng, ngành Giáo dục và Đào tạo không thể chậm trễ hơn nữa trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường./.
.