Thứ Bảy, 13/07/2019, 16:10 [GMT+7]

Danh và thực!

“Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, nên việc trao tặng giải thưởng, trao danh hiệu tôn vinh là hoạt động thời nào cũng có. Tuy nhiên, chưa bao giờ hoạt động vốn lành mạnh này lại có biểu hiện hỗn loạn như bây giờ.
 
Trao giải thưởng, dù bằng hiện vật hay danh hiệu tôn vinh là hoạt động có từ xa xưa, nhằm khuyến khích, ghi nhận tài năng hay cống hiến cho xã hội của cá nhân, tổ chức nào đó. Dù giá trị vật chất của giải thưởng nhỏ hay lớn thì giá trị tinh thần của giải thưởng vẫn được quan tâm nhất. Vì thế mà người xưa có câu: “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Một sới vật hội làng, giải thưởng có khi chỉ là bánh pháo và thước lụa điều, nhưng người nhận giải sung sướng, tự hào biết bao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Giải thưởng mang đến niềm vinh dự vì nó được đánh giá một cách công tâm, công khai, minh bạch, khiến công chúng tin cậy, cảm phục. Có giải thưởng nhỏ, trong phạm vi cộng đồng làng xã; có giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh; có giải thưởng cấp quốc gia… Dù giải thưởng cấp nào cũng phải dựa trên những tiêu chí đánh giá rất chuẩn mực và minh bạch. Vì thế giải thưởng mang lại vinh dự cho người được trao giải và ngược lại người được trao giải làm gia tăng uy tín cho tổ chức trao giải.
 
Vì trao giải thưởng, danh hiệu cho những tổ chức, cá nhân xuất sắc nên đương nhiên số lượng rất ít ỏi, hiếm hoi so số đông trong cộng đồng. Quý thường đi đôi với hiếm, của quý mà quá nhiều thì người ta cũng không thấy quý nữa.
 
Ngày nay xu hướng trao giải thưởng, danh hiệu có biểu hiện hỗn loạn vì số lượng nhiều, nhưng chất lượng thấp...
 
Hơn 10 năm qua, không ít cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp có nội dung và hình thức tương tự cũng được cấp phép tổ chức, từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh. Không ít danh hiệu mới xuất hiện nghe rất kêu, rất lạ, nhưng ít được công chúng quan tâm, ngoại trừ những hoa hậu, người đẹp tai tiếng bị nêu trên mặt báo. Công chúng và xã hội giờ đây đủ thông tin để nhận diện giá trị thật, người tốt - việc tốt, nên mọi thứ tô vẽ, quảng cáo quá mức đều phản tác dụng. Thực tế cuộc sống cho thấy, có nhiều người rất bình thường, không danh hiệu và giải thưởng, nhưng được người đời và xã hội nể phục vì nhân cách, tài năng, trí tuệ và những đóng góp cho cộng đồng.
 
Ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng có không ít giải thưởng, danh hiệu được trao tặng, nhưng danh chưa tương xứng với thực chất, thậm chí có giải thưởng còn trao cho sản phẩm, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật... Trao giải như thế gián tiếp góp phần tiếp tay cho doanh nghiệp, cá nhân gian dối trục lợi khách hàng và đối tác.
 
Rõ ràng, không ít cuộc trao giải thưởng, danh hiệu tôn vinh không thuần túy, đơn giản là “sân chơi”, mà nó có tác động tiêu cực đến chuẩn mực giá trị của xã hội, thật giả lẫn lộn, làm suy giảm niềm tin lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm Việt ở thị trường trong nước và quốc tế, dẫu chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
 
Do đó, lập lại trật tự trong các cuộc thi, bình chọn, từng bước ngăn chặn các hình thức tôn vinh lệch chuẩn, có dấu hiệu tiêu cực... là vấn đề cần đặt ra một cách nghiêm túc, để ngăn chặn những tổn thất về kinh tế và củng cố nền tảng đạo đức xã hội hiện nay./.
.

Thái Vũ

.